Cẩm nang thoát chết dành cho các bạn đang ở chung cư, văn phòng | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Cẩm nang thoát chết dành cho các bạn đang ở chung cư, văn phòng

Cloud

Administrator
Từ khoá cháy chung cư Carina là từ khoá hot nhất trong tuần vừa quá với sự cố cháy chung cư này đã làm 14 người thiệt mạng trong đó có 1 bác bảo vệ chung cư tham gia cứu nạn. Là sinh viên, ra trường đi làm tích luỹ, mua được một căn chung cư, sống cả đời, bạn có cảm thấy lo sợ?. Mình tính mua chung cư nhưng thực sự cũng khá hoang mang. Vô tình đọc được bài viết của 1 Facebooker xin chia sẻ lại các bạn.
Carina.jpg
Cháy chung cư Carina – Hậu quả lẽ ra không lớn thế

Bài viết hơi dài chút, nhưng nếu các bạn đang ở chung cư cao tầng hoặc làm việc tại các cao ốc văn phòng cao tầng, các bạn chịu khó ráng đọc hết bài viết này nhé. Rất có thể nó cứu các bạn hoặc gia đình các bạn một mạng sau này đấy.

Cách đây chục năm, tôi từng làm quản lý điều hành mấy cao ốc cùng lúc, quy mô cũng thuộc hàng kha khá. Mấy đứa em út đồng nghiệp hồi đó làm trợ lý cho tôi, sau này tiếp tục theo nghề này rất nhiều, tính ra cũng khoảng bốn năm đứa, giờ đều ở vai trò Trưởng Ban Quản Lý Dự Án các tòa nhà lớn, và có khi phải điều hành năm bảy tòa cao ốc cùng lúc.

Tụi tôi quản lý cao ốc hồi đó sợ cháy nổ lắm. Rất sợ. Vì nếu xui xẻo xảy ra mà mình có chút xíu sơ sót trong công tác quản lý thôi, thì mỗi nhân mạng mất đi do cháy nổ đều có cảm giác liên quan tới trách nhiệm của mình đấy. Khốn nỗi, cái tụi tôi mệt nhất hồi đó không phải điều hành đúng hay không đúng chuẩn PCCC, mà là thuyết phục khách hàng trong tòa nhà chấp nhận tuân thủ nguyên tắc an toàn PCCC. Nói chung dân mình ý thức còn kém quá. Vụ Carina cháy vừa rồi, từ thông tin của báo chí, tôi nhận xét lẽ ra không chết một mạng nào nếu cư dân trong tòa nhà có kiến thức PCCC tối thiểu tôi phân tích dưới đây. Tôi hy vọng mọi người đọc vài phân tích chia sẻ, có thể tự bảo vệ mình và người thân, hàng xóm láng giềng nếu như các bạn đang ở chung cư hay làm việc ở cao ốc.

1. Khi có tín hiệu báo cháy... TUYỆT ĐỐI không xài thang máy nhé. Thang máy chính là cái bẫy giết người. Bạn chui vô đó, xác xuất tăng thêm mấy chục ngàn phần trăm các bạn sẽ về với ông bà ông vải đó. Kể cả cháy rất nhỏ, hoàn toàn dập được, không đáng chết, bạn kẹt vô trong thang máy vẫn chết như thường. Cháy thì điện chắc chắn sẽ cúp. Ngạt khói, thiếu dưỡng khí, đứt cáp rơi tự do... Mà chả ai biết bạn ở trong, và chả ai rảnh cứu bạn đâu. Người ta lo chữa cháy. Nên là cứ đơn giản là KHÔNG – KHÔNG – VÀ KHÔNG nhé. Vụ Carina này có gia đình 05 mạng trong 13 mạng tổn thất vì kiến thức cực kỳ cực kỳ sơ đẳng này đấy. Rất đau xót và đáng tiếc!

2. Cầu thang thoát hiểm chèn đá, để cửa mở, tiện đi lại cư dân: ĐÂY CHẮC CHẮN LÀ TỰ MÌNH GIẾT MÌNH, ĐỪNG TRÁCH AI! Vì vốn lẽ ra tôi dám khẳng định vụ cháy Carina chắc chắn không có nhân mạng nào tổn thất hết nếu cư dân chung cư này hiểu và tôn trọng quy tắc tối thiểu PCCC này. Quy tắc tối thiểu nhé. Với cháy nổ, phòng cháy hơn chữa cháy. Tôi xin được giải thích tương đối đơn giản và ngắn gọn như sau:

Chung cư cao tầng có 2 loại cầu thang thoát hiểm. Một loại ngoài trời. Một loại trong nhà. Ngoài trời mọi người biết rồi, lý thuyết đơn giản, tôi không nhắc nữa. Thang thoát hiểm trong nhà thì ít ai hiểu nguyên tắc của nó, mà như vụ Carina vừa rồi, thay vì nó là công cụ cứu người thì lại thành ra công cụ giết người. Nếu cư dân Carina mà hiểu và tuân thủ, hoặc BQLTN nghiêm khắc một tí, chả có mạng nào chết trong vụ này cả.

Nguyên tắc cầu thang thoát hiểm, mục đích tạo chỗ cho bạn chạy thoát là thứ yếu, mục đích quan trọng hơn, cực quan trọng là tạo không gian cho bạn trốn khói. KHÔNG GIAN CÁCH LY KHÓI. Nên bao giờ cũng vậy, cầu thang thoát hiểm trong tòa nhà bao giờ cũng cách ly gần tuyệt đối với không gian các hành lang, và nếu điều kiện tòa nhà cho phép, luôn là áp suất dương (với máy bơm hoặc quạt tăng áp hoạt động liên tục). Mục đích đơn giản thôi: chống khói.

Cháy nổ trong cao ốc, chết vì lửa ít lắm. Chết vì khói mới nhiều.

Vậy nên: Thang thoát hiểm nội bộ bao giờ cũng là khối hộp độc lập, kín bốn vách. Cửa của nó phải dày nặng (phần nhiều bằng vật liệu chống cháy và cách nhiệt), CÓ TAY CO tự động đóng. Các bạn chú ý nhé, luôn CÓ TAY CO TỰ ĐỘNG, đóng mở, hoạt động tốt. Không có người là nó tự động đóng cửa. Bắt buộc đấy. Nếu tay co hư, cửa không tự động đóng được, thay ngay. Réo BQLTN thay. Chả bao nhiêu tiền, nhưng là tính mạng cả ngàn người trong tòa nhà chỉ vì mấy cái tay co cửa đó.

Trường hợp Carina này, không biết tay co có hoạt động không, cư dân lại... chèn đá vô cửa, cho tiện đi lại. Hủy tác dụng của tay co tự động luôn. Cháy xảy ra, vô hình chung cái cầu thang thoát hiểm vốn là chỗ cách ly khói lại thành cái ống khói tự nhiên phân phối khói đều đặn đi các tầng trong tòa nhà. Thực tình, nếu không xài từ ngu xuẩn thì tôi không biết xài từ vựng gì khác hơn để mô tả hành động này nữa. Người chèn đá đã ngu, người nhìn thấy không nói cũng thế nữa.

Quạt tăng áp: Cái này BQLTN biết, có thể theo cơ chế hoạt động tự động, hoặc khởi động tay khi có sự cố. Nói chung BQLTN nên luôn luôn kiểm tra nó hoạt động ổn hay không. Mục đích của nó: Nó bơm khí tươi vô thang thoát hiểm, làm áp suất không khí trong thang thoát hiểm cao hơn hành lang các tầng. Chỉ cần áp suất trong cao hơn bên ngoài tí ti thôi, áp suất dương ấy đã đủ ngăn khói vô cầu thang thoát hiểm nội bộ, tạo không gian và điểm trú ẩn tránh khói an toàn cho mọi người rồi đấy.

Không gian trong cầu thang thoát hiểm: TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC CHIẾM DỤNG. Để tạm bàn ghế, đồ đạc, rác... CẤM – CẤM – CẤM. Vì sao vậy? Lúc cháy, các bạn chạy theo quán tính trong cầu thang. Thường thì cúp điện tối thui, dù là ban ngày. Các bạn vấp té lộn cổ, chết luôn vì chấn thương sọ não do té chứ không phải do lửa hay khói đâu. Rồi cản trở công an PCCC chạy lên cứu người. Nguyên tắc cơ bản đấy. Mà tôi, do bệnh nghề nghiệp, vô các cao ốc hay nghía thang thoát hiểm, thấy bàn ghế, thùng rác, chổi, vật dụng vệ sinh chất đó hoài. Có thể các bạn không quan tâm, nhưng khi xảy ra chuyện, một cái thùng rác nhựa nhỏ tí thôi có thể làm bạn lộn cổ 10 bậc cầu thang ở vô cái thời điểm không ai rảnh rang để cứu bạn. Người ta lo cứu người ta còn chưa xong.

Nên là, nếu bạn để đồ vật cản trở không gian thoát hiểm của cầu thang, nhân viên BQLTN có lên to tiếng với bạn, bạn nhịn và nghe theo người ta đi! Người ta không phải khó khăn gì bạn đâu. Người ta hiểu, làm đúng, và đang bảo vệ an toàn cho bạn đấy thôi. Còn nếu bạn thấy hàng xóm để đồ như thế, bạn cứ việc mắng họ. Họ không chịu nghe, bạn xuống y/c BQLTN xử lý nhé!

Không gian thoát ra tầng thượng, tầng trệt và các tầng hầm thang thoát hiểm: KHÔNG ĐƯỢC CHIẾM DỤNG, DÙ LÀ BẤT KỲ AI. Tôi đã từng thấy khá nhiều tòa nhà, các tầm hầm chỗ ra cầu thang thoát hiểm còn... tận dụng để xe. Nói thử họ, họ bảo vẫn đủ không gian để mở cửa lách ra đấy thôi. Nhắc các bạn là KHÔNG – KHÔNG – VÀ KHÔNG nhé. Nó là an toàn tính mạng của chính bạn và gia đình bạn, dù chỉ là khoảng không nho nhỏ đó. Thi thoảng một số BQLTN yếu nghiệp vụ, chiếm dụng không gian này. Không được nhé, bạn! Bạn kiện và phản đối ngay. Đó là an toàn của cả tòa nhà về PCCC.

3. Thiết nghĩ thi thoảng bạn và gia đình nên tập thể dục thể thao giảm mập một tí bằng cách leo cầu thang thoát hiểm lên và xuống. Tốt cho sức khoẻ và có mục đích PCCC. Một là để các bạn quen không gian thoát hiểm. Hai là chính các bạn nhìn, kiểm tra xem các cửa mỗi tầng có kín không, tay co cửa ổn không, đường thoát ra ở tầng trệt, tầng hầm và tầng thượng có bị chiếm dụng không... Mấy nguyên tắc cơ bản thế thôi. Có thì gầm lên ngay. Tính mạng mình đấy, ngại gì mà không gầm lên chứ?

4. Các phản ứng, phản xạ cần có khi trong cao ốc cháy: Cái này các bạn search mạng đọc. Người ta hướng dẫn kỹ lắm. Search cái ra cả đống. Tôi không liệt kê nữa. Trên đây tôi chỉ liệt kê những gì khó tìm đọc được trên mạng, lại ít người biết và thường xuyên vi phạm, trong khi nó lại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản cho những người sinh hoạt và làm việc trong cao ốc cao tầng thôi.

5. Như kể trên, tôi có mấy đứa em út đồng nghiệp cũ giờ vẫn theo nghề quản lý tòa nhà. Các bạn nếu là khách hàng của các Bộ Phận Quản Lý Tòa Nhà như thế, nên lịch sự nhã nhặn với họ và tuân thủ các quy định chung họ đặt ra. Họ có nghiệp vụ, biết làm thế nào để các bạn sống vui và an toàn trong một cộng đồng chung. Đừng vị kỷ, ích kỷ nhé! Nhiều khi bạn không biết, nhưng chỉ muốn tiện lợi chút xíu công việc riêng của bạn, bạn vô tình tăng nguy cơ với tài sản và tính mạng của mấy ngàn người trong tòa nhà bạn ở. Rất là không đáng. Chung cư Carina vừa cháy và tổn thất 13 mạng người là một ví dụ. Rất không đáng và hậu quả khá là đau lòng. Nói thật là nếu tôi hoặc đám em út nhân viên tôi ngày xưa giờ đang quản lý toà nhà đó, 13 mạng người này đã ko ra đi oan uổng thế.

Bài viết này mục đích chia sẻ kiến thức cộng đồng. Bất cứ bạn nào cảm thấy hữu ích đều có thể share, hoặc cut-copy-paste, không cần quan tâm tới trích nguồn người viết. Biết đâu vài cái chia sẻ kiến thức phổ thông thế này có thể ngăn được một cái Carina trong tương lai. Tôi thì tôi vô thần lắm, nhưng nếu thật có kiếp sau, góp một tay ngăn một thảm họa không đáng có như thế chính là tích phúc đấy. Cám ơn các bạn đã đọc một bài viết quá dài. Thank u for reading, every1!

Nguồn trích dẫn:
Mã:
https://www.facebook.com/tuanngoc.hoang.5/posts/10215426729159712
 

dammage

Rìu Chiến
a2p2.jpg


hiệu quả chống ngộp khói đã được chứng minh bởi
photo1521938763123-1521938763123411941356.jpg


chet-chay-ngat-khoi.jpg
 


Top