Bảo Tồn Di Sản & Phát Triển Kinh Tế Tại Thành phố Hồ Chí Minh

VNZ-NEWS
Tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 29/09/2022 vừa qua Công ty S&A Architecture cùng với trường Đại học RMIT tự hào công bố các giải pháp cải tạo và tu sửa khu Thương cảng Sài Gòn cũ của Quận 4 trong sự kiện Bảo tồn Di sản và Phát triển Kinh tế Việt Nam, diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh .

Được thực hiện bởi Công ty S&A Architecture , các giảng viên và sinh viên đến từ trường Đại học RMIT, cùng sự hỗ trợ của nhiều tổ chức bao gồm Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Ý tại Tp. Hồ Chí Minh và UNESCO Việt Nam, dự án “The Green Mile” tập trung phát triển mục đích sử dụng các không gian công cộng, bảo tàng, không gian sống và làm việc, đồng thời đề xuất phương pháp sửa đổi về quản lý giao thông. Dự án được trình bày cho hơn 100 khách mời.

NNN_1757.jpg

Buổi hội thảo có sự tham gia phát biểu của Ngài Romano Prodi - cựu Thủ tướng Ý Tổng Lãnh sự Italia tại Tp. Hồ Chí Minh, khiến khách mời kinh ngạc trước tài năng của tập thể đội ngũ kiến trúc sư và sinh viên.

Những thước phim The Green Mile đề xuất một giải pháp mang tính học thuật cho khu Thương cảng Sài Gòn cũ bao gồm khu triển lãm và giải trí, không gian làm việc chung, khu vực hậu cần, khu dân cư và thương mại phức hợp. Đề án cũng tập trung vào nhu cầu cấp thiết của khu đất này -bằng cách cung cấp hơn 200.000m2 không gian xanh, xây dựng Thành phố Xốp - Sponge City (SPC) để giảm thiểu thiệt hại của lũ lụt. Nhằm giảm tải lưu lượng giao thông, đường hầm bên dưới tuyến đường Nguyễn Tất Thành và đường đi bộ trên không đã được đề xuất để kết nối với mạng lưới metro Sài Gòn sắp khánh thành, mở ra cung đường mới cho người đi bộ và đi xe đạp. Đây được xem là một công viên tuyến tính, đồng thời tạo nên trạng thái khẩn trương tính cực giữa đề xuất quy hoạch hiện tại và quy hoạch mới. Đề án này kết hợp với kế hoạch của Thành phố nhằm xây dựng những cây cầu mới kết nối Quận 4 với ‘thành phố thứ 2’ bên bán đảo khu vực Thủ Thiêm, và một môi trường tận dụng các cấu trúc hiện hữu, bổ túc, cải tạo và tái tạo thành một không gian lý tưởng cho tương lai của Sài Gòn.

Ông Luigi Campanale - Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Thiết kế của S&A Architecture đồng thời là tác giả đề án Tái tạo Thương cảng Quận 4 nhận định đây là một khu vực độc bản của Tp. Hồ Chí Minh và sẽ là một cơ hội tốt để Thành phố có thể tận dụng và giải quyết vấn đề thiếu không gian công cộng, đồng thời là nơi bảo tồn sự kết nối với các yếu tố kiến trúc và văn hóa xưa. Với quan điểm "tương lai sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đi các giá trị truyền thống" và lòng nhiệt huyết của người Milan, ông Luigi mong muốn cải tạo khu vực Quận 4 với niềm tin rằng đây sẽ là một thành phố nhỏ giữa một đô thị lớn.

Trưởng khoa Thiết kế & Truyền thông của trường Đại học RMIT, Giáo sư Julia Gaimster, cùng với những sinh viên đồng phát triển đề án tái tạo Quận 4 đã mô tả dự án là “The Future of the Past" (nghĩa là “Tương lai của Quá khứ). Bà cũng nhấn mạnh rằng đa phần các cuộc thảo luận hiện tại xoay quanh sự phát triển của Thành phố Thông minh đều tập trung vào khía cạnh công nghệ, trong khi một thành phố thông minh thực sự sẽ cần nhiều hơn thế. “Di sản, khả năng sống, khả năng làm việc, sinh hoạt và vui chơi trong chính không gian ấy. Các không gian công cộng, riêng tư và trung gian đều có vai trò quan trọng giúp mọi người có một môi trường khiến họ cảm thấy an toàn và tương tác ngay tại nhà. Một thành phố thông minh thực sự cần có bản sắc riêng của mình. Chúng tôi đang xây dựng di sản của tương lai, đồng thời bảo vệ di sản của quá khứ.”

Sự kiện có bài phát biểu quan trọng của TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, xoay quanh công tác “kiểm kê di sản" hiện đang được thực hiện trong Thành phố, cùng với các điều chỉnh quy hoạch chung của khu đô thị phía Nam Sài Gòn.

Ông lưu ý về những cấu trúc liên kết hạ tầng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, về giải quyết vấn nạn giao thông hiện đại bằng các giải pháp vận tải đa phương thức đường sắt và đường thủy khu vực Tp. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, kết hợp mạng lưới kênh đào rộng lớn, vốn được xem là “một phần di sản chung của thành phố”. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng văn hóa, nghệ thuật và di sản có thể được kết hợp tốt hơn vào thiết kế những tòa nhà đa chức năng đang được xây dựng nhiều ở Việt Nam. TS Tuấn cũng phát biểu về những lợi ích có được từ việc bảo tồn tốt các di sản sẽ giúp thúc đẩy du lịch và xây dựng bản thể văn hóa mạnh mẽ hơn cho Thành phố, đồng thời cũng giúp tăng thêm nguồn ngân sách bảo tồn di sản.

Chúc mừng sự phát triển ngoạn mục của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả đất nước nói chung, ngài Đại sứ Antonio Alessandro kêu gọi người dân luôn giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, vốn cần phải được không ngừng quan tâm và nuôi dưỡng thông qua việc mang lại sức sống mới cho cơ sở vật chất, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch đến các thành phố trên toàn quốc. Mô tả nước Ý là nơi “độc nhất đủ tiêu chuẩn để bảo vệ những không gian này”, ông cũng hy vọng rằng Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ có thể “bảo tồn được di sản của mình, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng không ngừng của đô thị, đồng thời cũng quan tâm và lưu ý đến sự phát triển thông minh và bền vững của các thành phố.” Ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ Đối tác Chiến lược Ý - Việt Nam ký kết vào năm 2013 cũng đã đặc biệt nhấn mạnh việc bảo tồn các di sản và di tích văn hóa.

Chia sẻ quan điểm của đồng nghiệp, ngài Enrico Padula, Tổng Lãnh sự Ý tại Tp. Hồ Chí Minh cũng nhận định rằng: "Nước Ý có quá trình phát triển chậm rãi và dành thời gian bảo tồn di sản, còn Việt Nam thì khác vì có một nền kinh tế tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng". Ông nêu ví dụ về các thành phố của Ý như Milan và Torino, vốn là các đô thị thiên về sản xuất cũng đã nỗ lực tái sử dụng không gian và lưu giữ cho hậu thế, cũng như bảo tồn những di sản văn hóa phong phú mà các thành phố này đại diện. Ông bổ sung: “Đây là một sự chuyển giao không thể thay thế đối với các thế hệ tương lai của chúng ta”.

Nhận thức được những thách thức thương mại đôi khi phát sinh trong những cuộc thảo luận về việc bảo tồn các tòa nhà di sản, ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam cũng đề cập đến những phương thức mà cơ quan chức năng có thể hỗ trợ nhằm giải quyết một số vướng mắc về chi phí cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư, nhằm khuyến khích họ tái sử dụng di sản của Việt Nam và các công trình kiến trúc từ giữa đến cuối thế kỷ 20 một cách phù hợp.

"Trong một số trường hợp, việc tận dụng các tòa nhà từ cuối thế kỷ 20 có vẻ khả thi về mặt tài chính. Giữ lại, trùng tu hoặc chuyển đổi các tòa nhà di sản cần được hỗ trợ nhiều hơn thông qua luật pháp. Một số quốc gia giảm thuế hoặc cho phép xóa nợ nhằm khuyến khích nhà đầu tư bảo vệ các tòa nhà di sản, trong khi các quốc gia khác cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp. Ngoài ra, cũng có thể đưa ra các ưu đãi khác cho nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như các quy định pháp lý có lợi, hoặc các quy trình cấp phép nhanh hơn và mang tính ưu đãi. Các ngân hàng có thể xem xét việc mở rộng các khoản vay xanh cho các dự án tái sử dụng này do giảm lượng khí carbon và chất thải phát sinh. Cơ quan có thẩm quyền cũng có thể xem xét trao tặng các giải thưởng và phần thưởng cho các nhà đầu tư và có thể kết hợp trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành dự án di sản để bảo vệ lợi tức đầu tư (ROI), hoặc cấn trừ phần không gian không được sử dụng trong dự án bảo tồn toà nhà di sản và bù đắp lại vào tổng diện tích sàn trong các dự án khác của nhà đầu tư”.