Bãi Vàng, Đá Quý, Trầm Hương | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software. 

All the knowledge we share is completely free. If you are willing, please support us here.

×

Bãi Vàng, Đá Quý, Trầm Hương

malemkhoang

Rìu Chiến
BaiVang,Tram-NguyenTri.jpg

Giới thiệu​


Nguyễn Trí vào Hội Nhà văn thực ra không làm ai ngạc nhiên. Cách đây hơn 2 năm (2013), giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương đã biến tên tuổi anh thành “hot” trên văn đàn Việt Nam. Từ đó, truyện ngắn Nguyễn Trí thường xuyên xuất hiện trên khắp các mặt báo trong Nam ngoài Bắc, chưa kể anh còn được các nhà xuất bản săn đón, “đặt cọc” trước. Sức hấp dẫn của cái tên Nguyễn Trí không chỉ do “tài văn” đem lại mà còn vì ở anh hội tụ nhiều sự “khác người”. Gương mặt đen đúa cày sâu những vết nhăn do thời gian và sự khó nhọc, cái trán vồ, thân hình thấp bé nhưng rắn đanh, toàn bộ con người Nguyễn Trí toát lên vẻ phong trần và “cực ngầu” khiến người ta nghĩ Trí là dân “anh chị”. Nhưng khi tiếp xúc với anh, sự dè dặt của người ta lui dần, nhường chỗ cho lòng cảm phục một con người không ngừng vươn lên, bất chấp mọi nghịch cảnh.
Nguyễn Trí sinh năm 1956, quê gốc Quảng Bình. Thời thế xô đẩy anh qua nhiều vùng đất, làm nhiều nghề nặng nhọc: đào đãi vàng, tìm trầm, chặt củi đốt than, giết mổ heo… Học hành dở dang, anh lăn lộn trong giới giang hồ nhiều năm trước khi cầm bút viết vào năm 2009. Với sự hỗ trợ tích cực của nhà văn Hồ Anh Thái, truyện ngắn đầu tay Nín lặng khóc in trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần của Nguyễn Trí đã làm bạn đọc bất ngờ. Sau đó là hàng loạt truyện ngắn được viết bằng giọng văn “giật cục”, tưng tửng, với hàng trăm nhân vật gồ ghề góc cạnh, gồm: thợ đào đãi vàng, lâm tặc, đĩ điếm, chủ chứa, osin, dân nghèo thành thị… Thế giới bần cùng ấy sống, hít thở, yêu đương, sinh con đẻ cái… trong lao động cực nhọc, hiểm nguy bủa vây, thiện ác lẫn lộn. Chính giọng điệu lạ, những nhân vật hoang dã, bụi bặm trong cõi hỗn mang, xô bồ khuất lấp của cuộc sống gần như “ngoài vòng pháp luật” được Nguyễn Trí mô tả rất sinh động đã mang lại cho tác phẩm của anh sức lôi cuốn và nét riêng không trộn lẫn.
Ngay sau Bãi vàng, đá quý, trầm hương, Nguyễn Trí xuất bản tập truyện ngắn Đồ Tể (Nhà xuất bản Trẻ) tiếp tục gây xôn xao dư luận. Như diều gặp gió, anh cho ra lò tập tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng (Nhà xuất bản Trẻ), tập truyện thiếu nhi Tuổi thơ không có cánh diều (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn Ảo và sợ (Nhà xuất bản Trẻ).
Bạn đọc lo ngại Nguyễn Trí sẽ “hết vốn” sau thời gian ào ào in tác phẩm, nhưng để minh chứng “kho” văn chương chữ nghĩa vẫn còn đầy ắp của mình, anh khoe hiện đang viết tiểu thuyết và trong đầu đang có… 5 truyện ngắn. Đáng nói là dưới ngòi bút của Nguyễn Trí, thế giới của những con người thuộc tầng lớp “dưới đáy xã hội” không thiếu giết chóc, lọc lừa, xảo trá nhưng đây đó vẫn lấp lánh vẻ đẹp của tình người. Giọng văn thô mộc vốn là cá tính của anh cũng thi thoảng chen những đoạn rất đẹp, rất trữ tình (truyện ngắn Đồi đất đỏ…).
Hành trình văn chương của Nguyễn Trí mới chỉ bắt đầu, bạn đọc vẫn đang chờ anh mang đến những điều bất ngờ…​

Lời giới thiệu Sự hấp dẫn của đời sống​

Truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Trí mà tôi đọc là Nín lặng khóc. Ngày nọ bỗng nhiên trong hộp thư điện tử của tôi xuất hiện một bức thư lạ, ở ô trống để viết thư chỉ là một truyện ngắn được dán thẳng vào, không kèm theo một lời giới thiệu hoặc nhắn gửi. Tôi đọc thử mấy dòng. Cái tên tác giả Nguyễn Trí thì còn lạ lẫm, nhưng một trang đầu đã chứng tỏ người viết có chữ và biết dùng chữ, có chuyện và biết kể chuyện. Văn có không khí và có màu sắc. Chất Nam Bộ. Văn cũng rất riêng và có ý thức làm cho độc đáo. Cái không lạ mà lạ của lời ăn tiếng nói thông thường. Câu chuyện tưởng như khó éo le hơn, dẫn đến một kết cục bất thường. Tác giả dụng công tìm một cách lý giải khác chút nữa thì cái bất thường ấy sẽ là một cách xử lý độc đáo thật sự. Chỉ riêng cái tên truyện gốc hơi lâm li cải lương, và tôi đã đổi tên để giảm bớt sắc độ, thành Nín lặng khóc, cũng là chữ trong truyện của tác giả lẩy ra mà thôi. Cũng như một số truyện sau này của Nguyễn Trí, khi đưa in, tôi đã giúp tác giả đổi tên cho phù hợp hơn với nội dung, cũng để bớt lâm li và bớt cái thật thà phô lộ ngay từ nhan đề.
Những truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Trí từ đó xuất hiện trên Tuổi Trẻ cuối tuần, Thanh Niên, Đại biểu nhân dân, Văn Nghệ... Lúc ấy Nguyễn Trí mới tiết lộ chút ít về nhân thân. Tác giả ở độ quá tuổi năm mươi, quê gốc Quảng Bình, sinh ra ở Bình Định, phiêu bạt từ Huế lên Tây Nguyên, vào Sài Gòn, hiện định cư ở Đồng Nai. Ông trải qua nhiều nghề như đi tìm trầm, đào đãi vàng, tìm đá quý, chặt củi đốt than, dạy tiếng Anh... rồi bây giờ làm thợ ở Đồng Nai để nuôi hai cháu nội. Truyện Trại viên cũ quay lại đông lắm, tôi có cảm tưởng ông viết lại những điều mắt thấy tai nghe khi đi thăm con ở trại cai nghiện. Ông bảo: Tôi từng mơ mộng đàn hát văn chương, từng làm thợ, dạy tiếng Anh mà con tôi giờ ra thế này, đau xót quá. Ông kể có lần trong một nhà sách, nghe hai người trò chuyện và trao đổi cho nhau địa chỉ email của tôi, ông lén ghi lại rồi gửi cái truyện ngắn đầu tiên cho tôi xem sao. Từ đó mà kết nối một mối quan hệ. Nguyễn Trí thường gửi bản thảo cho tôi biên tập, rồi tùy tôi gửi cho báo nào phù hợp. Thời gian đầu, ông ra tiệm cà phê Internet ngồi viết luôn trên máy của tiệm. Viết luôn vào ô trống để viết thư. Về mặt kỹ thuật, khi cắt dán truyện ấy vào một văn bản Words thông thường, tôi phải rất mất thời gian để chỉnh lại, sửa từng cái dấu chấm dấu phẩy bị đập cách đứt rời ra. May mà những truyện ngắn ấy có chất, nó đủ sức giữ cho người biên tập ở lại chia sẻ chứ không bỏ đi. Nó đáng để cho người biên tập dụng công. Và bây giờ, đáng để cho độc giả bỏ thời gian để đọc.
Chùm truyện Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương thực sự là nếm trải của người trong cuộc. Văn chương tưng tửng, tung tẩy đối đáp giữa nhân vật với nhân vật, giữa nhân vật với người đọc, giữa người viết với người đọc. Không cần rạch ròi phân định, bởi sự chồng mờ, chèn lấn tạo nên nhiều sắc độ hơn và mở rộng liên tưởng hơn. Nguyễn Trí đưa người đọc đi qua những cuộc đối thoại ấy, rồi cắt nghĩa từng khái niệm, cắt nghĩa từng hành vi và tâm trạng của dân giang hồ. Những bươn chải, những mưu tính, những nghĩa cử trong đám giang hồ với nhau, có lúc cuốn hút, có lúc gây hồi hộp, có lúc gây phẫn nộ hoặc khiến người đọc rưng rưng. Như vậy tác phẩm của Nguyễn Trí gây hấp dẫn bằng chất sống thực và sự từng trải.
Bây giờ Nguyễn Trí nói đã sắm một cái máy tính xách tay, không phải ra quán ngồi viết như trước. Chẳng biết ông có còn thói quen viết xong đem đọc cho bạn bè nghe để góp ý ngay tại quán nữa hay không? Vì văn chương của Nguyễn Trí là kiểu hấp dẫn nhờ một đời sống thực và cần được nghe thêm bồi đắp từ những người đã nếm trải thực.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Truyện 1: Bãi vàng​


Đàn anh bãi được chia làm hai loại.
Hai loại nhưng một hạng - hạng một.
Loại thứ nhất là đàn anh địa phương. Tất nhiên rồi, đất anh, nhà anh, ai dám cha chú? Một đứa vắt mũi chưa sạch vô bãi lôi tha phương cầu... vàng ra bạt tai, bắt quỳ... Không tuân theo khó ở lắm, về cũng không xong. Khổ vậy. Bãi vàng Suối Nho Xuân Bắc một thời lừng lẫy vàng cục vàng thỏi, nổi lên những Dũng Inh, Sơn Hí, Ngọc Lùn, Năm Phụng Hoàng, cái tên nghe đã ớn. Còn hành động? Khi công an lôi cả bọn vào nhà đá bóc lịch, thiên hạ mới hay đàn anh địa phương chỉ là con chi chi. Bãi nào cũng rứa. Êzimbar Chưprông ở Phú Bổn có Phú Khỉ Đột. Suối Ty ở Lý Lịch hùng cứ băng anh em Chấm Bake, Sang Côrôna. Hiếu Liêm có Dũng Voi, Hoàng Má Đỏ, Minh Tâm...
Loại thứ hai là đàn anh không bến không bờ. Loại nầy bí hiểm như ma trơi. Có anh đến một mình, có anh lôi theo một hội toàn đầu bò có bướu, lạ cái ai cũng hiền ơi là hiền. Vừa vào bãi anh đã vội vàng đến gặp quý ngài địa phương: “Dạ... em... mới đến... dạ... nghèo quá, khổ quá... vợ đẻ con đau nhà hết gạo...”. “Rồi làm đi... đừng có quậy quọ gì nghe không và biết điều một chút”. Biết điều ư? Đại diện sẽ kêu một chai kèm một đĩa, uống nửa ly rồi xin rút. Tha phương phải kính địa phương như ông nội mới có cơ may mà tồn tại.
Thành Bụi đến bãi X duy nhất một ba lô cóc.
Tướng tá rất bụi, dân đi đó đi đây không bụi mới lạ à. Giang hồ đúng nghĩa với từ nầy. Là sao? Giải thích nghe chơi. Được thôi, muốn đến xứ người làm ăn phải có cái miệng Tô Tần, cái đầu Chu Du. Ngọt như mật và mưu mô giảo quyệt nhiều nhiều chút. Kèm thêm chục ngón phòng thân, ở bãi ba ngón là bỏ, khi đụng trận thiên hạ chơi nhau bằng cây rừng, đâu ai đánh bằng tay.
Thành Bụi là võ sĩ chính hiệu. Mười một tuổi bỏ học. Cha Thành từ nhỏ đến to, phang cho cú đấm cũng không thể lôi thằng con ngỗ nghịch đến lớp. Đành chịu. Thành đến phòng tập Hắc Danh Đơn. Cha Thành nói với ông thầy:
- Nó ăn rồi chuyên đi đập lộn, ông dạy nó có ngày mang họa.
Không dạy thì Thành học lỏm. Có thằng bạn là môn sinh trong lò, nó dạy lại cái đã học. Thành tẩm ngẩm mà đánh chết voi. Mười bảy đến hai mươi tuổi đánh mười bốn trận đài, thắng knock-out bảy, sáu ăn điểm, một trận huề.
Bóc lịch ba năm vì cờ bạc bịp. Thành lên xe khách đường dài dụ dỗ bà con cô bác chơi bài ba lá và xanh đỏ xanh đỏ xanh, nhiều em đi làm ăn hám của bị lột sạch. Công an liên tỉnh giả nai, Thành và đồng bọn bị còng tại trận... Ra tù đi làm trầm. Trầm luân quá, lên bãi vàng tìm vận may. Đủ hết Tà In, Suối Ty, Chưprông, Khâm Đức, Suối Nho và X. Đủ ra tư cách một giang hồ.
Từ thị xã lên X gần năm mươi cây đường rừng. Khúc khuỷu, dốc thăm thẳm nên phải trên 100cc mới có thể đến. Tiền xe ôm đến X bằng giá nửa tuyến Bắc Nam. Kinh thật. Vậy mà dân bỏ hàng ngày nào cũng có mặt. 125 phân khối ngoại trừ hai cần xé đầy ắp hàng còn thượng thêm một mụ chủ. Ì ì ì, xe cứ số một mà lên, chưa kịp về số ba đã qua lại số một ì ì ì... Bãi vàng không hề đùa chơi.
Bãi nằm sâu trong rừng nguyên sinh. Ba quân thiên hạ cho tất cả nằm xuống, cây lớn ra ván cừ hầm, cây nhỏ làm khung, nhỏ nữa làm chòi trú thân, làm quán, động mại dâm... Ầm ầm ầm, nhà máy chà đá chạy suốt ngày. Trên diện tích chục hecta chứa vài nghìn nhân mạng. Đủ thứ, khui hầm, đánh ca, tiệm vàng dã chiến... Người ơi là người, vui ơi là vui. Không khí bãi rất khác đời thường, nó luôn luôn quá cái mức cần thiết.
Tình yêu, tình thương, lòng thương hại? Đợi một thằng chết vì hầm sập, vì đứt dây sẽ có tình thương: “-censor- má, thằng X chết rồi”. “Sao vậy?”. “Nó uống xỉn xỉn đi ngang miệng hầm trượt chân té...”. “Rồi sao?”. “Sao trăng gì? Tụi bạn đưa nó ra đầu dốc Ma Trơi chôn, đâu ai biết nhà nó ở đâu, có biết cũng làm sao đưa về”.
Quá nữa là giá sinh hoạt. Ở phố một, ở bãi trên năm. Cũng phải thôi, đường sá như vầy, không như vầy làm sao tồn tại? Rượu hả? Cồn pha nước lã. Dân đánh ca ngâm nước suốt ngày đêm không rượu có mà chết. Lên khỏi miệng hầm thuốc độc có men cũng uống huống chi cồn... Gái gú ư? Gái mẹ hết rồi, toàn thứ vỉa hè đá không thương tiếc, lên bãi hóa Hằng Nga giáng trần. Kệ đi, có còn hơn không. Ở bãi dăm ba tháng ròng không có đàn bà...? Rượu và đàn bà không phải sức sống của đàn ông sao?
Còn nhiều thứ quá khác.
Thành vào một quán, chưa kịp gọi gì thì một đàn anh mặt búng ra cả lít sữa, đập cái võng cuộn thành một cục lên cái bàn ghép bằng lồ ô:
- -censor- má, mày dân đâu?​


❧​



Thành nhìn nhóc tì, không trả lời. Phải chi nó lớn một tí Thành sẽ xưng em gọi anh cho nó đúng tinh thần tránh voi chả xấu mặt nào. Đời, chó gần nhà gà gần chuồng nó vậy. Con nít ranh cũng làm cha làm chú, không lý nói dạ thưa em tui dân Bình Định... Thằng đàn anh cầm cái võng quất vô đầu Thành. Phản xạ võ sĩ rất xuất kỳ, đầu cúi thấp tránh đòn và chộp tay đối thủ.
Tay võ sĩ là gọng kìm, thằng con nít ái da một tiếng kèm: “-censor- má... mày đánh tao... anh Dũng ơi... nó đánh em...” Ngay lập tức cả quán đứng dậy. Bốn thằng đầu trâu mặt ngựa lừ đừ kéo đến, thằng tái ngắt, kẻ đỏ lừ, tóc chấm vai, môi thâm và mắt trắng, miệng nồng nặc mùi cồn:
- Bỏ tay nó ra - một thằng xướng.
Nguy tai. Thành nhủ thầm, mới vào bãi đã vấp vào bất lợi loại một. Đụng dân địa phương chỉ có đường tử nạn. Ở bãi - tất cả các bãi - chết vì bị đòn không hề quan trọng. Dân bãi sẽ vùi cái xác ấy vào một chỗ cố định. Tất cả được phán một nguyên nhân: sốt.
- Đứng dậy.
Phải đứng thôi, không đứng mấy anh phủ đầu làm sao tôi đỡ.
- Bước ra.
Thì bước ra, có vậy mới rộng đường, bốn đánh một, đứng một chỗ tôi chết mất.
- Quỳ xuống mày.
Gì chớ quỳ thì không. Quán đông người, giang hồ xúm đông xúm đỏ xem chơi, tôi quỳ để mấy anh đánh, nhục nhã lắm. Thấy Thành vẫn đứng, một cô hồn bước tới:
- Anh Dũng để em.
- Tao giao cho mày đó Đào Ba Lan.
Cô hồn nhìn Thành Bụi:
- Tao cho mày một cơ hội, quỳ xuống xin lỗi thằng nhóc, tao tha.
- Mấy anh hiếp kẻ thế cô, ỷ thế đất nhà. Chơi không đẹp.
- À, được, mày muốn bặc co hả. Mình tao thôi - Đào Ba Lan gằn giọng - Bước ra mày, lâu quá không đánh đấm tao cũng ngứa tay. Nếu mày thắng tao sẽ tôn mày làm anh. Ra đi.
Dạng Đào Ba Lan là thứ ăn theo. Giang hồ vặt chính thống, tựa thể địa phương vỗ ngực xưng danh, phủ đầu yếu thế để trấn lột. Được dăm ba ngón, vung tay khi cần để trộ và bảo vệ đàn anh. Một loại vệ sĩ mạt hạng.
Một thằng có cái bớt đỏ ở mặt lên tiếng:
- Rồi. Hoàng Má Đỏ này làm trọng tài cho. Một chọi một, thằng thua phải tôn thằng thắng làm sư phụ.
- Hoan hô - Đám đông hiếu kỳ reo lên - Lâu lâu làm một trận cho đỡ buồn coi. Ê tụi bây có đấu đài nè.
Bộ không có công an hay sao vậy kìa? Có chớ, nhưng về hết rồi. Trời đất, kỳ vậy? Kỳ cái con khỉ khô, sáng chạy vô đây đã mười giờ, đi từ chân đồi lên đỉnh, xuống, lên xe về đến thị xã là tối mịt, nhỡ trục trặc giữa đường có mà chết. Bộ không ai ở lại sao? Có khùng không? Ở bãi toàn ngưu đầu mã diện... Hiểu chưa? Còn công an chìm hả? Sao không, bãi nào không có, nhưng họ ém để bắt phạm bị truy nã, ngu sao thò mặt ra để giải quyết ba cái vụ đánh lộn. Đánh nhau nhiều lắm bươu đầu mẻ trán. Vả lại bọn bò bướu nầy... kệ nó đi.
Hiếu kỳ tự động vây một vòng tròn. Hoàng Má Đỏ đứng giữa hai võ sĩ bất đắc dĩ và tiếng hò reo. Ra vẻ hiểu biết luật đánh đài, Hoàng cũng cấm câu đầu kéo gối, chớ để thù hận cho con cháu về sau. Đàn anh vừa rút, Đào Ba Lan đã lao vào Thành Bụi toàn bộ sức mạnh của ma men cùng đòn thế của kẻ biết tí đỉnh võ nghệ. Thành có những hai mươi hai đòn của võ tự do, thuộc lòng chục bài thiệu.... Cỡ Đào Ba Lan, Thành hạ không quá một phút ba mươi giây, nhưng không ai hạ bệ đối phương như vậy, phải để họ thua trong chiến đấu kiểu ngang sức ngang tài, có ngã ngựa cũng chỉ vì suông đòn... Với lại phải để cho hiếu kỳ mãn nhãn, sự lạ đâu có đến hai lần. Đào Ba Lan cũng direct, bạt xivin, choa, kutxê, cước tung phần phật, tất cả đều bị điệu nhảy môđi của Thành hóa giải. Hiệp một, hiệp hai, ở phút cuối của hiệp thứ ba Thành tung một cản, gót chân trúng vào chấn thủy Đào Ba Lan.
Huỵch.
Cô hồn sống ồ lên kinh ngạc khi Đào ngã ngửa ra sân, mặt nhăn nhó vì đau đớn, sau ồ là im phắt. Dũng Voi, Hoàng Má Đỏ, Minh Tâm lừ đừ bước vào vòng, nhìn Đào Ba Lan. Thành cúi xuống đè hai tay lên ngực Đào:
- Thở mạnh ra.
Cố hết sức Đào thở thật mạnh. Cú đá làm nó bị tức hơi - vậy thôi.
Nắm tay nhau trở lại quán.
Ra mắt cực ấn tượng.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 2 -​



Ở bãi là gian manh, giảo quyệt và tham lam.
Hầm ở đồi Cây Sao thuộc X lơ mơ đừng có đụng vào. Phải có lòng tham vô bờ và có tiền mới dám ghé tay vô. Sao mà khó tin quá, có tiền, bộ điên sao phải lên ma thiêng? Còn lâu mới điên, họ tỉnh rụi, chẳng qua tham quá lớn, niềm tin đến độ cuồng nên bỏ tiền bỏ của để lôi cho bằng được cái quý giá trong lòng mẹ trái đất vào lòng mình.
Hầm có chiều ngang hai mét, chiều dài hai rưỡi. Chi mà lớn dữ vậy? À, hầm cạn nhất là hai mươi mét, phải rộng dưỡng khí mới xuống được, cỡ đó mà mấy thằng bất cẩn, chết vì ngộp khi xuống đáy hầm là thường. Sau nầy thiên hạ phải dùng môtơ quạt gió vào một ống bốn mươi đưa xuống đáy vào sâu trong đường ta luy để phu có cái mà thở.
Phải cừ kiên cố như nhà rường ở miền Trung chống bão cấp mười mới chịu nổi. Lơ mơ đất chung quanh nhã ra bóp méo khung cừ chết như chơi. Chết chả nói làm gì, tiền của đổ ra mới là điều quan trọng. Phải cừ từ mét đầu tiên, mỗi năm tấc xuống là một khung cừ. Cây rừng được tuyển đều đặn, hoành, ngang, dọc xếp lớp như mía. Cưa, đẽo, áp má, chính xác từ milimet. Mỗi má khóa lại bằng đinh hai mươi phân. Bên trong khung cừ được lót bằng ván dày ba phân dài hai mét và rộng hai mươi phân. Để đưa được ván từ mét đầu tiên đến mét thứ hai mươi là cực kỳ gian khó. Không thợ chuyên nghiệp là không thể. Đầu tấm ván này chính xác lên đầu tấm ván kia, vỗ nhẹ búa và thật đều để tấm ván đi xuống không vỡ hoặc tét đầu. Phải là loại ván cực tốt như sao, sến, hoặc dầu đỏ cổ thụ. Thợ cưa bỏ thép, chỉ lấy loại gỗ tinh tuyền. Một mét khối gỗ ở bãi gấp mười lần dưới vựa.
Xạo đi. Ở trên rừng mà đắt hơn ở vựa? Đã nói ở bãi cái gì cũng quá rồi mà, thậm chí còn vô lý nữa. Nhưng... nghĩ đi, bộ tưởng rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cối rồi muốn sao là muốn à? Ở đâu cũng có chủ hết, và ông chủ nào chẳng cơm ăn, nước uống? Bọn mày bán cho mấy ông chủ làm vàng, chớ đâu phải bán củi tạp... phải chung theo kiểu vàng. Thợ cưa cũng ăn cơm bãi vàng, vậy mọi thứ phải được định giá bằng vàng. Mỗi khối một cây, bọn tôi chung chủ rừng hai chỉ, ăn uống bốn chỉ, còn lại cho bác sĩ mỗi đứa hết năm phân, bộ mấy ông tưởng bọn tôi có dư lắm sao? Đời thợ cưa trên tàn dưới mạt. Mấy ông không mua có hầm khác lấy... Đừng có trả giá.
Còn yếu tố con người nữa chi. Mười ba mạng cho một nhóm. Sao mười ba? Sáu mạng một ca nhân hai, còn một thằng trưởng ca. Trưởng là ngoại lệ, là linh hồn, là giang hồ máu lạnh. Chủ hầm sẽ lo cho ca tất tần tật, cơm ăn, nước uống đến cái quần xiệp, cánh võng, cả gái gú... Phải rượu gạo à, đây chuyên nghiệp ngửi là biết liền... Heo bò gà vịt cá lóc nướng trui cá rô kho tộ... mỗi bữa mỗi món. Dân năm ăn năm thua với cái chết phải ăn ngon khi sống, được thì làm... Ngược lại ca phải ròng rã ngày đêm. Mười hai nầy đến mười hai kia cho đến khi đụng bổi.
Khoan nói chuyện đụng bổi. Để chạm được tài sản của mẹ trái đất phải thấy đường mà đào. Điện được kéo tới. Đường xuống địa ngục tối mịt mờ, năm mét một bóng điện tròn 100 watt. Mét thứ mười là nước từ rừng nguyên sinh chảy có vòi. Môtơ bơm nước cái chạy cái sơ cua. Đến mét thứ hai mươi và trên nữa phải có ống đưa dưỡng khí xuống hầm. Phu đánh vàng hút thuốc thổi vào một ống khác để khói bay lên. Có điện à? Sao không. Người ta đưa D20 lên chạy Dinamo mười ký. Mỗi máy bao bốn hầm... Đừng có tưởng tượng mà hãy tính chi li. Hai rưỡi nhân hai nhân hai mươi, một trăm khối đất đá, cọng cừ, ván cừ, thời gian là bao lâu? Ít nhất ba tháng nuôi mười ba thằng vai u thịt bắp. Điện? Bao nhiêu? Khủng thật. Thoạt tiên ba bốn tay tầm cỡ chung nhau. Trúng một mánh, tách ra làm đơn chủ. Đơn không? Không dám đâu, phải có một đóng mở ngoặc đỡ đầu. Cô hồn sống nghe có ông đó, ông kia không dám mò đến xin đểu.
Đụng bổi rồi, tất cả sẽ ngừng lại. Một chương mới được mở ra. Chủ hầm sẽ triệu tập một quý thầy đến cúng để cầu xin thần rừng và mẹ trái đất thương cho thân con - bọn con - nhất là mấy thằng đánh ca, chúng nó khổ quá, từ bốn phương tám hướng đến, xin mẹ chớ bỏ. Bốn thằng con bỏ ra gần hai chục cây vàng mà phải chia năm vì có thằng khốn đỡ đầu, nó phải một phần mẹ ạ. Mo là bọn con tự sát... Rồi, nhang tàn, đốt vàng bạc đi...
- Nè trưởng ca, mày ra đây, bàn lại tí coi, cứ để đó cho tụi lính đã đời bia bọt một hôm. Mai tính tới.
- Dạ, em chỉ xin mấy anh cái lòng bàn, làm vốn mở ta luy. Được không mấy anh?
Lòng bàn là cái gì? Là khối lượng bổi ở diện tích đáy, đâu chừng một khối. Diện tích hầm Đông Tây Nam Bắc mười lăm mét vị chi hai trăm hăm lăm mét vuông, bổi dày hai mươi cộng mười chia đôi trung bình mười lăm phân, dài nhân rộng nhân cao ra ba mươi ba khối, mỗi khối năm bao tổng một trăm sáu mươi lăm bao, mỗi bao cầu xin năm chỉ ra con số tám mươi cây vàng, cho bọn xin đểu cái số lẻ, còn lại mỗi bên bốn chục. Mười ba thằng chia nhau những bốn tháng tử sinh ba cây có gì là lớn... Không cho nó cái lòng bàn đâu có được. Chơi không đẹp chúng giấu bổi hoặc ăn cắp sái nhất lúc cô vàng, chủ hầm trào máu họng liền. Dân đánh ca ăn cơm thiên hạ khôn dàn trời, chúng thừa biết chủ hầm thực sự ngồi mát ăn bát kim cương. Tính đi, lãi ròng hai mươi cây chia năm, mỗi thằng bốn cây. Ngồi chơi và ra lệnh tháng kiếm một cây, đòi gì nữa?
Hầm năm chỉ một bao là bình thường, có hầm bảy chỉ, một cây. Ngược lại cũng có hầm vài phân một bao.
Gặp những hầm như vậy ca trở thành cá mắc cạn.
Chủ hầm sẽ hóa hâm hâm. Nhiều tay vay mượn mộng đổi đời, không may bán nhà trả nợ lùa vợ con ra cảnh nheo nhóc không có gì là lạ.​



Một thân, một mình Thành đến bãi vàng làm gì vậy kìa?
Thì đến bãi vàng để đãi vàng, không lý đi đãi... mảnh bom. Một mình thì ráp với đầu và tứ chi khác cũng ra thân thể một con người. Không có hầm thì đánh lụi ca của ca.
Là sao?
Nghĩa là các anh ăn đã muốn sạch hầm. Vốn liếng cộng lại giang hồ sẽ tự động mua mặt bằng để lên hàng chủ. Dưới con mắt nhà nghề, trưởng ca dự đoán luồng bổi đậm nhạt mà ra quyết định tối hậu. Mặt bằng là của một trong những đàn anh địa phương. Anh bán lấy vàng xài chơi hoặc là một phần ăn chia. Hầm đang khai thác sẽ nhường cho ca đánh lụi. Ca lụi là những đơn thân từ bốn phương hội tụ. Gặp nhau bên quán rượu, đủ tài, lắm nghề. Họ chẳng khui hầm, chỉ ăn nhậu, ôm gái và chờ đợi.
- Ê, có ca nè - Một đại ca xướng.
- Hoàng Má Đỏ hả? Làm một ly coi, hầm ai vậy?
- Hầm của Thanh Cháy, ba bảy đánh không?
- Thôi ba bảy hầm đó không đánh, bốn sáu thì miễn cưỡng. Mày thương lượng với chủ hầm và ca chính, nói bọn chủ hầm nhả bớt cho anh em ăn với, còn không thì ăn hết đi. Hầm đó tao xuống rồi. Bổi đánh đã khó, còn phải sửa ta tuy mới đánh được.
Ca lụi ăn chia lại với ca chính. Khi hầm đã gần tàn, chủ hầm cũng phải hy sinh tí đỉnh để vớt đoạn kết thúc. Cũng có khi cán cân tỷ lệ nghiêng về ca lụi vì sập ta luy, muốn bổi lên phải sửa chữa. Muốn gia nhập ca lụi phải là dân thiện chiến. Bổi không là đất đá bình thường. Vàng sa khoáng giấu mình trong đá thạch anh. Thạch anh đa chủng loại, có loại dai như đỉa đánh không vỡ, có loại cứng như đá tảng, loại giòn như bánh tráng. Đã dễ đánh thì thưa vàng. Phu lấy bổi ngồi trong đường hầm cao tám tấc, rộng bảy tấc, trên dưới, hai bên hông được khóa chặt bằng ván cừ. Búa và chạm gõ cóc cách suốt đêm trường, dưới bàn tọa là nước, trước mặt là ngọn đèn 100w hừng hực. Ca lụi sáu người chia bảy, một phần của đàn anh. Anh phải uy lắm mới có hầm:
- Ê, chủ hầm đâu rồi? Mày trưởng ca hả? Nhường cho em út tao đánh một ca được không?
- Được, ba bảy. Anh nói với lính anh, đánh phải cừ ta luy đàng hoàng. Ẩu là tôi không cho mang bổi đi à.
- Rồi yên tâm. Lính tao là vua nhảy ca.
Mắt thợ phải tinh tường tầm cỡ Tôn Ngộ Không. Vân xanh hiện lên trên màu trắng đá càng đậm vàng càng nhiều. Cá biệt có luồng điểm cả chấm vàng. Người ngồi trước đánh bổi bỏ vào xô sau lưng, kẻ sau lưng xem xét, loại đặc biệt bỏ riêng. Cái nào tời lên ở trong bao là để chia, cái nào ở trong xô nghĩa là phải giấu. Khà khà khà, không giấu, không ăn cắp lấy gì ăn nhậu, gái gú.
Thành Bụi được Dũng Voi dẫn đến ra mắt một băng như vậy. Sơ kiến là rượu:
- Xin chào người anh em. Anh hạ Đào Ba Lan đẹp quá, làm vài ly chơi, Anh ở bãi nào về đây vậy?
- Êzimbar.
- Nó ở đâu?
- Ở Phú Bổn, Tây Nguyên.
- Khó đánh không?
- Khó hơn đây nhiều.
- Kể nghe chơi.
- Bổi nằm sâu dưới chân núi, người ta lấy cây chống vô vách núi rồi đào.
- Mẹ ơi, cừ kiểu gì kỳ vậy, không sợ sập à?
- Sập hoài.
- Sao liều vậy?
- Làm vàng ai không liều.
- Dzô đi, rượu gạo nguyên chất đó, bọn này không bao giờ uống ba cái cồn. Hàng đặt đàng hoàng đó. Tôi là Hùng Tổng Kho. Bữa nào anh truyền tôi vài ngón coi, hà hà hà.
Thành ngạc nhiên:
- Sao lại là Tổng Kho?
- Tại nó chuyên gia đánh tổng kho.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến
- 3 -

Sau chầu nhậu, Thành gia nhập nhóm Hiếu Râu. Hiếu mặt chữ điền, mắt một mí, râu quai nón, vạm vỡ như hải tặc Viking. Nhóm Hiếu được bảo trợ bởi trùm bãi Tèo Bói. Tèo Bói là anh của các anh. Uy phong lừng lẫy, sống như vợ chồng với một người đẹp tên Hằng. Hằng lên bãi với một anh, anh dựng cho nàng cái quán. Nhan sắc nàng so với các kiều trong quán Bà Năm Tằm là số một, nên Tèo Bói ra tay tống gã kia về xuôi. Gã đành ngậm ngùi: đàn bà lòng dạ hiểm sâu.
Tèo Bói kết Thành Bụi ở khoản... âm nhạc. Hoàng Má Đỏ có cây ghi ta. Đàn hát cũng sạch sẽ, giai điệu nghe tàm tạm. Gì chứ khoản lá cải Thành trên cả sành điệu. Ôm đàn chơi bài Đưa em tìm động hoa vàng. Ông trời có lắm cái buồn cười, cho ai ổng cho một hơi vài cái, đã giỏi võ, đẹp trai, đàn giỏi, lại hát hay. Giọng ca của Thành vừa cất lên, ngay lập tức gà móng đỏ trong quán Năm Tằm:
- Hát hay quá anh trai ơi. Em chịu anh trai rồi.
Theo chân Hiếu Râu và Hùng, Thành đến cái gọi là tổng kho.
Tổng kho ở lưng chừng đồi cây sao. Hầm sâu không quá bốn mét. Vừa xuống đáy hầm Thành đã rùng mình rởn gáy vì tính liều lĩnh của con người. Hầm như bùng binh chợ Bến Thành, chân trụ rải rác đứng, dưới chân trụ bốn người vô một tụ xập xám hoặc tiến lên, có cả chẵn thừa một triệu, chẵn ăn rồi lẻ thừa năm trăm nghìn, máng trên chân trụ là bóng điện tròn. Thành bảo:
- Tao chưa thấy hầm nào như hầm nầy.
- Tao cũng vậy - Hiếu râu nói - Tao phải thừa nhận mày là vua liều đó Hùng. Đánh như vầy, một bao một cây tao cũng xin kiếu.
- Chân trụ đàng hoàng, sợ cái gì. Hùng vừa nói vừa cười.
Thành chen ngang:
- Mày có biết thế nào là đất luân chuyển trong lòng đất không?
- Vụ nầy mới à. Mày đừng lo cho tao. Sống chết có số, đúng không?
- Bộ hết chỗ đánh bài hay sao vậy?
- Bọn nó chờ thay ca nên đánh bài giết thời gian, sẵn giết nhau luôn.
Thành kết luận:
- Thôi lên đi, tao không đánh hầm nầy.
- Tao cũng vậy, dẫn mày đi coi chơi thôi. Tao mà đã xuống hầm thì phải đảm bảo chín mươi phần trăm.
- Còn mười để đâu?
- Ở hên xui.
Hùng Tổng Kho kêu lên:
- Thấy chưa, Hiếu Râu còn tin vô số phận.
Có hay không có số phận, xin miễn bàn. Kẻ nào lười biếng, kém thông minh ắt cu li xe kéo suốt đời, khôn lanh, siêng sắn ắt phải có cục đường phèn. Tính cách tạo nên số phận. Đúng vậy. Ở bãi vàng phải xuống hầm, phải ròng rã thâu đêm suốt sáng ăn thua đủ với thần chết. Thần chết ở khắp mọi nơi, sốt rét, sập hầm, đứt dây lên xuống và nghìn thứ vân vân.
Thay nhau bò vào ta luy lấy bổi, sức khỏe như thần cũng xin chào đêm dài lạnh lẽo. Lạnh lắm, nước dưới đáy hầm trào lên, bên vách hầm xối xuống. Máy bơm nước lúc nào cũng rì rì chạy. Chỉ cần trục trặc mươi phút là đợi chờ cả tiếng. Đã thức đêm, rượu, thuốc lá lại giữa rừng sâu con vi trùng sốt nào bỏ mồi ngon như vậy? Thành không thuốc lá. Dân tù tội đi đó đi đây, không thuốc lá là không tin à. Trước có hút, nhưng từ khi vào ấp bóc lịch, có đâu mà hút, thôi bỏ luôn cho rồi.
Từng qua thời gian đánh đá chẻ, đá tấm nên Thành thừa kinh nghiệm để đục thạch anh. Trở thành tay cầm búa và chạm chủ lực trong mâm Hiếu Râu. Ca đầu tiên ra mắt Thành vung búa mười bao. Tứ Lục, Hiếu Râu và Tèo Bói cho xe thồ đưa bổi xuống nhà máy chà.
Để tập kết bốn bao bổi về nơi xay ra bột, gian khó không kém dân công đưa lương thực, khí tài tham gia chiến trường Điện Biên. Nước, đất đá ở đáy hầm đưa lên đổ tràn lan trên đường qua lại. Trơn trượt khủng khiếp, vì thế mỗi xe chỉ hai bao nhưng phải bốn vai u thịt bắp áp tải thồ đến nhà máy là tiền liền không hò hẹn. Bọn mày đánh hầm có cơ may vô đậm, bọn tao dụng sức kiếm tiền, ngu sao đợi bán vàng rồi thanh toán, lỡ mo tụi mày xù bọn tao lấy gì trả cái ăn? Yên tâm, Tèo Bói nói trả là trả. Rồi anh Tèo nói thì được.
Thời điểm nầy đàn anh mới phát huy sức mạnh. Đố tay chủ nhà máy nào dám hẹn hò: “Dạ để em xay xong bao nầy là giải quyết cho anh Tèo liền”. Nào, tháo cối ra. Bổi trong cối mới nhiều vàng. Tinh hoa của cả đêm dài đọng trong cối chớ đâu, phải vét cho thật sạch. Nhìn mấy cái búa đập đá mà ớn cho trí tuệ loài người. Lưỡi búa cỡ bàn tay, bằng thép tà vẹt đường ray, dày cả phân tây mà mỗi tuần thay một lần. Xay xong vác bổi đến hố để đãi. Hố sái được một loại chủ khác quản lý. Họ đào hố, đưa nước vào, có máng để xổ, có mâm để cô, có thủy ngân để rút vàng. Rồi tính làm sao? Khó à, thồ và xay có giá rồi, còn vụ nầy? Không tính toán gì hết, tụi mày cô xong cứ mang vàng đi, bọn tao chỉ hưởng cái sái mày bỏ lại.
Làm sao với mớ sái đó? Nhìn nè, sái được hốt lên đưa về chòi xay lại bằng cối xay bột. Cóc cách giằng xay, thay nhau không cho cối ngừng chạy. Lại chảy ra một thứ sền sệt nhuyễn như bùn, tiếp tục cho vào mâm đổ thủy ngân rút tiếp, rút cho thật sạch vàng trong sái. Sạch không? Xin phép đi, còn lâu mới hết. Một công đoạn nữa mới thật sự không còn gì.
Dân làm sái đem phơi khô thứ bùn đó, rồi đốt bằng hóa chất, chủ yếu xianuya và acid clor, nhiều loại nữa làm tan chảy tất cả, và vàng đọng lại trên ngón tay phu bãi.
Muốn đọng lại ư? Xin mời anh trai đến tiệm vàng. Vàng của em chín lăm chắc cú. Bọn chủ tiệm vàng ở bãi ăn cắp của phu rất thần sầu. Vàng cám và nước, tuy được dồn lại thành cục bởi thủy ngân, họ chỉ cần đưa khò, đạp mạnh cóc là vàng ít nhiều bay xuống nền. Mỗi lần dời bãi họ bán nền cả cây, chưa kể khi bỏ vàng và hàn the vào nồi đất để cô thành cục, họ giấu vàng dưới đáy nồi phủ hàn the lên trên. Vì thế phu bãi ngoại trừ đánh vàng còn phải siêu đẳng trong nghệ thuật cầm khò đạp cóc. Thành Bụi đủ thứ siêu. Bốn bao bổi sau tất cả mọi công đoạn được mười hai chỉ vàng. Sáu nhân mạng và một đại ca là bảy chỉ. Còn lại dành cho mọi sự linh tinh. Trong cái linh tinh ấy có tiết mục mua hoa ở quán Bà Năm Tằm.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 4 -

Bà Năm Tằm là ai vậy kìa?
Bãi nào cũng có biến tướng của nhờn nhợt màu da. X có Năm Tằm, Suối Nho có Điểm Hẹn, Tà In có Mộng Dưới Hoa... Những quán nầy được điều hành bởi những về già hết duyên, hết cả tình tiền. Họ lôi những tàn dại của vỉa hè lên nước độc để bán cái tự có cho tứ chiếng giang hồ.
Không ma nữ nào không vàng vọt xanh xao của sốt rét rừng. Buổi sáng, mỗi nường một cánh võng, tóc tai rũ rượi, phì phèo thuốc lá, mắt vô hồn nhìn phu bãi ngược xuôi. Các nường đúng nghĩa trần ai. Dưới trướng Năm Tằm, nhưng má Năm cũng nhờ đàn anh bảo kê. Tứ chiếng ăn xong nó quỵt là thường, mỗi nường phải nhờ một đàn anh che chở. Mi có Hoàng Má Đỏ là chồng. Kiều Hạnh của Ba Chí, Ngọc của Dũng Voi... Bà mẹ ơi, có chồng hết rồi, ai dám vô chơi hả bà Năm? Thì cứ cà phê cà pháo đi, cưng thích đứa nào? Con Mi hả? Mi ơi có khách nè. Mi cũng son cũng phấn, miệng ngậm ba số đưa khách ra điểm hẹn ở sâu trong nguyên sinh. Chòi lợp bạt ni lông, cái gọi là giường được đóng bằng cây rừng lót lồ ô bổ sịa, có chiếu có mùng. Nằm trong mùng ôm ma nữ, nghe muỗi o o mà ớn lạnh.
Sao mà bẩn thế? Đàn anh ai lại lấn sân vào lãnh vực nầy? Sao lại sợ bị xù? Cứ làm như phố thị đưa tiền cho má mì, má sẽ điều gái cho anh, quỵt làm sao được? Phố khác, rừng khác. Bộ tưởng rẻ lắm sao? Xuống hầm một ca khổ như trong Papillon người tù khổ sai được chỉ vàng, chung hai phân cho nửa tiếng ôm ma nữ. Đưa tiền trước, chưa kịp làm ăn gì thằng chồng nó xuất hiện, đã mất hết còn bị bạt tai. Ngu à? Chưa kể ba cái bệnh xã hội... Em đã bèo nhèo, thêm cái ghẻ chóc. Đố cha thằng nào bị sốt rét rừng mà không bị ghẻ. Gặp vậy anh xin phép cáo từ. Làm ăn phải uy tín chứ, kiểu đó ai dám đến lần thứ hai? Không cần lần thứ hai. Nhìn đi. Trên diện tích chục hecta cả nghìn người. Nhu cầu vô thiên lủng, cung chỉ một Năm Tằm. Thế độc quyền vạn năng. Vậy thì ăn bánh xong mới trả tiền. Ai cũng thủ, cũng thế. Năm Tằm đố thằng nào ba que xỏ lá, hú một tiếng là biến khỏi bãi.
Thành Bụi đến nhưng không chọn bất cứ một ma nữ nào. Sao vậy? À, Thành dị ứng với phụ nữ phì phèo thuốc lá. Mi, người của Hoàng Má Đỏ đẹp nhất sóc, õng ẹo trong xường xám:
- Đi chơi với em nha, anh Thành?
- Anh không tiền em ơi.
- Em không lấy tiền, em thích anh. Má Năm, bữa nay tui cho không biếu không anh Thành đó. Tui nói trước à.
- Của mày, mày cho ai kệ mày, nhưng phần của tao là phải chung, không là khỏi ăn đi.
- Bữa nay tui ăn cơm quán. Anh Thành bao cơm em nha...
- Mày cà chớn, tao nói thằng Hoàng xáng bạt tai vô mặt. Đồ ngu, làm đĩ mà không lấy tiền.
Vậy đấy. Bãi vàng, sống sượng và sống thật.
Vậy Thành giải quyết cái nhu cầu cần thiết đệ tam của loài người ở đâu? Pêđê chăng? Giỡn. Thành là võ sĩ đàng hoàng à, bê năm hai luôn chứ chơi à. Tiết giảm? Thành đâu có biết yoga mà sử dụng sức mạnh tinh thần. Rỗi hơi đâu với trò cao cấp đó. Nhịn? Không được à, không nghe câu nam bí khí thành châu, nữ bí khí thành sầu đó sao? Nhịn là dễ bị khùng lắm à...
Bãi nào Thành cũng có một tình nương.
Tình của Thành, thường là một đèm đẹp bị bi kịch. Chồng bỏ. Tình phụ. Có tí vốn liếng lên bãi mở quán bán cơm. Loại quán nầy rất dễ bị giang hồ quậy quọ. Đàn anh đến chơi chủ chẳng dám tính tiền. Nhờ bảo kê có mà chết sớm. Đã chung chi, ưng lên nó đòi ngủ với bà chủ là khốn. Đành chấp nhận, ai có xỉn đòi phá thì lạy lục van xin, cần thì quỳ gối. Chọn một thằng để gửi thân ư? Biết thằng nào? Như chồng cũ, như tình xưa thì bỏ mẹ cả đời, em dang dở rồi nên thận trọng cũng phải thôi. Thành đến những quán như vậy, suy tư và yên lặng ngắm nhìn đèm đẹp.
Ở Suối Nho, Thành hạ Dũng Inh. Suối Ty phủ đầu Sơn Hí, ở Êzimbar đập Phú Khỉ tả tơi, ở X hạ knock-out Đào Ba Lan. Tí thành tích ấy khiến Thành vào quán nào là chủ phải gật đầu đon đả. Đố thực khách nào dám đập chén gõ tô: “Bể thì đền cho người ta đi anh trai, buôn bán khổ lắm, chả lời lỗ gì...” Thành điềm đạm và nhỏ nhẹ nên tứ chiếng cũng e và chủ quán quý lắm. Còn quý hơn khi Thành than thở:
- Nghèo quá em ơi, vợ con gì, ai thèm lấy cái thằng như anh.
Đèm đẹp sẽ nhờ Thành:
- Hay là anh ở lại quán em nè. Có anh mấy thằng kia không dám quậy. Em khỏi tính tiền cơm anh, nha, anh Thành. Người đẹp lơi lả.
Ừ, thì ở lại. Tối, Thành móc võng trước quán. Đèm đẹp ngủ bên trong. Nàng tâm sự rằng, em có chồng rồi, nó xỉn, nó say, đánh em như trái banh lông, còn tằng tịu với con khác vân vân và vân vân. Thành lắng nghe và vờ say ngủ. Say ngủ nên đánh rơi cái mền. Đèm đẹp bước tới đắp mền dùm cho Thành Bụi. Thành tỉnh giấc ôm lấy em yêu và nói anh yêu em, anh cần em, anh thích em...
Cô đơn và trống vắng. Tiếng yêu đương ai nỡ chối từ.



Mùa mưa ở bãi buồn ơi là buồn.
Hoàn toàn khác với ở rẫy, nương hay phố thị. Mưa ở rừng nguyên sinh ầm ầm, rào rào rồi rả rích không ngừng nghỉ. Tất cả mọi hoạt động buộc phải ngừng. Hầm hố phải đóng nắp bởi nước ngập đến tận miệng. Chủ mấy nhà máy chà tạm thời rút để lại một hai đệ tử trông coi. Giang hồ nào trúng mánh rút về vui vẻ cùng vợ. Ở bãi chỉ còn lại kẻ thất cơ, không trúng quả đành chấp nhận ở lại tạm qua mùa mưa lũ.
Bộ điên sao ở lại? Lấy gì ăn mà sống. Giang hồ không rượu làm sao chịu nổi mưa? Không sao, tất cả đều có hết. Mấy cái quán như quán của Dung - tình nương của Thành - đã dự trữ sẵn. Mối của Dung hai tuần phải trèo đèo lội suối giao hàng. Dung hăm dọa:
- Không lên giao hàng là tui xù gối đầu à, nói cho biết đặng khỏi mất lòng sau.
Quán nào cũng có một anh trai mặt ngầu chăn dắt. Tất nhiên phải đắt đỏ gấp ba lần mùa khô. Nhưng lấy cái gì mà mua? Mưa gió lấy đâu ra vàng? Có cũng làm sao mà bán? Chủ tiệm đâu có điên mà ở lại bãi để chết với ăn cướp. Trong cái mớ ở lại biết ai ra ai? Cái thứ mà ở lại rừng già đảm bảo trời đánh không chết, không nầy ắt cũng kia.
Khỏi lo đi. Toàn bộ kéo xuống chân đồi. Khô ráo chui hầm sâu tìm bổi đậm. Mưa gió xuống chân nhặt hoa rơi, chỗ nào trước kia chê thừa nay ta làm lại. Gì chớ cơm ăn, nước uống, thuốc hút, gái ôm không có gì là lớn. Phu bãi thọc mâm xuống suối, hốt đại hầm bà lằng rồi lắc, ngày trăm mâm cũng kiếm được vài ly đến một phân. Rút ngân xong mang đến cho quán cơm. Thành sẽ khò và cô lại cho cho phu. Cục nầy hả? Một phân. Chỗ nầy? Phân rưởi. Bàn tay dân chuyên nghiệp độ chính xác như cân tiểu li. Vàng đó sẽ giao lại cho dân bỏ hàng. Làm sao biết tuổi vàng và giá cả? Vậy mà cũng hỏi. Đá thử tuổi chủ hàng sẽ mang lên. Còn giá? Nằm trong mấy tờ báo chớ đâu.
Nhỡ bệnh tật, sốt rét thì sao? Ở rừng, ở bãi thằng nào không sốt rét kinh niên. Khỏi lo vụ thuốc men, ba cái phòng hai, phòng ba của Liên Xô chả nghĩa địa gì(1). Cứ sốt là fansidar, fansimet mà nuốt. Dân chơi hoàn toàn không sợ mưa rơi. Nghe ớn quá, dễ chết quá. Thường thôi. Ở đâu có người ở đó có sự sống và cái chết. Chết hả? Xúm nhau khiêng ra dốc Ma Trơi. Cuốc đó, xẻng đó. Hàng hả? Làm gì có, tấm chiếu, cái mền của nó thì trùm cho nó. Cát bụi trở về cát bụi. Có gì quan trọng đâu?
Thành ở lại bãi vì hai lẽ. Một, chả có còn gì ở quê, từ khi mẹ mất. Bỏ Dung mà về thì tội nghiệp. Tình nương yêu Thành lắm. Lý ra về Đồng Tháp nhưng vì Thành nên ở lại. Dung ôm Thành tâm sự:
- Em có chồng rồi. Lúc đầu hai đứa cũng yêu nhau lắm anh. Cưới hỏi đàng hoàng, ảnh là dân sông nước nên rượu chè dữ lắm. Em sanh nở nên khó khăn. Say lên ảnh đánh em, nói mẹ con em là nợ, là oan gia... Đánh riết em sợ quá nên ẵm con về má. Ảnh đến quậy um sùm trời đất, rồi bắt con em về bên nội. Em đi theo, ảnh đánh tiếp đuổi đi. Con em về bên nội đúng một ngày thì mất...
Cô gái thút thít khóc. Thành hỏi:
- Sao lại mất?
- Má chồng em nghiện tứ sắc, ba chồng nghiện rượu, chẳng ai trông coi thằng nhỏ, nó lẩm đẩm ra sông bị té chết anh à. Em đang đi đội khoai mướn, nghe tin chạy về thì thằng nhỏ lạnh ngắt. Em hận nó lắm anh.
- Thôi, đừng hận nữa. Có anh rồi nè - Thành dối trá nói - Anh yêu em, anh không vũ phu đâu.
- Em cũng yêu anh, có anh em thấy đời đẹp lắm. Anh Thành nè, anh mà bỏ em, chắc em tự tử quá.
- Bậy, em xinh xắn vầy, ngu sao bỏ. Không có anh thiếu gì thằng muốn xách dép cho em.
- Em không cần ai hết, cần anh thôi.
Bà mẹ nó - Thành rủa thầm - Kiểu nầy mà dứt áo ra đi thì đúng là tội nghiệp à.
Rồi mưa qua, bãi hoạt động lại. Sau mười ba tháng ở X, Thành bảo Dung:
- Anh phải về thăm má.
Tất nhiên Dung buồn và lo âu:
- Anh lên lại không?
- Chừng nửa tháng anh lên với em.
- Lên với em nha anh.
- Lên mà. Đợt sau anh sẽ đưa em về ra mắt má anh.
- Thiệt hông anh?
- Thiệt mà.
Dung móc hầu bao giao số vàng mà Thành cật lực để có. Mười ba chỉ. Thành đưa lại cho cô năm cái khâu, trong đầu nghĩ xem như là một đi không trở lại.
- Thôi - Dung nói - Em lấy vàng của anh làm chi, anh mang về cho má.
- Anh để đây, em giữ, anh lên lại có cái mà xài chớ cưng.
Nén một tiếng thở dài, Thành tự thấy mình khốn kiếp khi sòng phẳng với kẻ yêu và đặt niềm tin vào mình. Sòng phẳng luôn lạnh lẽo.
Những Hiếu Râu, Hoàng Má Đỏ, và một lô những hảo hớn được Thành mời đến để làm cái chia tay có hẹn ngày gặp lại. Mắt Dung ngời hạnh phúc khi Thành gửi gấm:
- Tao gởi bà xã ở đây nhờ anh em coi ngó và ủng hộ dùm.
Khi Thành khoác ba lô lên vai, cô khóc:
- Lên nha anh.
- Anh sẽ lên.
Đàn bà con gái tin vô mồm miệng kẻ không bến không bờ, chết như không.​

*​



Thành Bụi về phố, bạn bè em út xúm đông xúm đỏ nâng ly chúc mừng. Mươi ngày lại chán. Mấy tay đã từng lặn lội tìm trầm, đãi vàng, làm đá quý... họ mau chán lắm chỗ dừng chân. Chỉ có hai thứ lôi họ về là trái tim người mẹ và đôi mắt người tình. Thành chả có gì sất, trừ nấm đất lạnh lẽo, và Thành cũng vừa cho mẹ một ngôi mộ để ấm lòng kẻ ra đi. Một nhan sắc không đợi nổi ngày về đã ôm cầm theo thuyền khác. Chờ ư? Anh biệt cái cả năm ròng, chả thấy tăm, đừng nói dạng. Em già mất thôi anh, trong khi xiết bao thanh tú và hoa mỹ bủa vây. Chào nhé, em theo chồng.
Cô đơn lắm loài đom đóm đêm. Nó lập lòe bay tám phương bốn hướng, và chắc chắn sẽ lụi tàn khi bình minh đến. Những lang bạt như Thành, nhấm nháp nỗi cô đơn, sau mỗi cơn say lúc nửa đêm về sáng. Để chạy trốn mình. Họ - trong đó có Thành - ba lô lên vai tìm vui ở bãi. Thì lấy vợ, đẻ con đi, chắc chắn đôi mắt trẻ thơ sẽ níu chân anh. Chà chà, mấy tay nầy á hả? Đàn bà trong tay họ vô lủng vô thiên nên không tha thiết lắm. Ồ dạng lính của Năm Tằm nói chi. Giỡn, họ không là người à? Lại cùng nặng nỗi cô đơn như nhau. Tứ chiếng gặp giang hồ cả nghìn cặp cũng làm nên hạnh phúc đó, không thấy à? Thì có... nhưng mà, cái gì cũng xuất phát từ tình yêu. Đời tuy không nghĩa chi, nhưng phải yêu cái đã. Giang hồ yêu khó lắm người ơi, họ bị cái từng trải chận lại.
Mười lăm ngày sau Thành Bụi trở lại X. Ở đầu lộ nơi tập trung Honda ôm, đã có sự lạ. Thành hỏi:
- Có gì mà có vẻ lạ vậy bạn?
- Anh lên bãi hả? Về đi. Sập Tổng Kho. Công an tỉnh đang truy quét, đuổi tất cả rồi.
- Anh cứ đưa tôi vào thị trấn.
Chợ thị trấn nhộn nhịp người. Toàn dân bãi. Không một quán nhậu nào không có tóc dài, môi thâm và mắt trắng. Thành dọc các quán mong tìm một giang hồ thân thuộc. Y như rằng:
- Ê, Thành, Thành Bụi.
Rõ, giọng Hiếu Râu.
Ghé vào cháo lòng, tiết canh. Tay bắt mặt mừng.
- Sao vậy? - Thành hỏi.
- Sập Tổng Kho - Hiếu Râu trả lời - Bàn nhậu gồm những bạn quen từng xuống hầm cùng Thành Bụi - Làm một ly đi, tao tưởng mày biến khỏi đây luôn rồi. Chuyến nầy khó lòng làm được ở bãi nầy.
- Kể nghe coi.
- Có gì mà kể. Tổng Kho mày xuống rồi, nó như bùng binh chợ Bến Thành. Ít nhất cũng trên năm chục mạng vùi thây ở đó.
- Kinh khủng thật, tao đã nói. Còn thằng Hùng Tổng Kho?
- Mạng nó lớn như thái sơn. Hôm đó nó bị sốt. Đúng là đời không luận được sống chết.
- Bây giờ mày tính sao?
- Chưa biết đi về đâu, lên bài nầy là tao xin kiếu. Cứ tưởng tượng vài chục oan hồn đêm đêm ngồi khóc trên miệng hầm thì có đãi ra hồng ngọc tao cũng xin kiếu.
- Kha kha kha - một giọng cười ngạo nghễ xen vào - Mày tếu thật Hiếu Râu, hồng ngọc mà chê à? Tao mà dưới địa ngục có cái ăn được là tao cũng xuống. Ê Thành Bụi, mày tính đi bãi nào, bọn tao đi với.
Thành nhìn cái mặt gã mới cười:
- Mặt mày sao có màu vậy? Bị ăn direct à?
- -censor- má, mày không tường vụ nầy đâu. Mày về được năm bữa là có một tay chơi tên Sơn Hí tới, tầm như mày, bụi đời ác liệt luôn lại dzõ nghệ nữa. Nó dzô quậy quán con dzợ mày, con Dung mang tên Thành Bụi ra “phe” bị nó xáng cho bạt tai. Bọn tao đang đánh bổi nghe tin hậu phương bị pháo kích, chạy về... -censor- má, ra một trận tanh bành cái quán con dzợ mày. Bọn tao thằng nào cũng bị vài cú, tao nặng nhất bị ăn mấy cái vô mặt.
- Trời đất ơi - Thành kêu lên - Rồi sao? Thằng đó đâu rồi? Còn con Dung...?
- Sơn Hí làm cha được mấy ngày thì sập Tổng Kho. Công an vào đuổi ra, ai cũng thu xếp, còn nó cự lại.
- Dám cự công an à?
- Dzậy mới ngu, quá xá là ngu, đúng là võ biền. Đi đó đi đây mà quên là đừng bao giờ đụng đến cướp của, giết người và công an. Đụng đến ba thứ nầy có chạy xuống a tì cũng bị lôi lên. Đã vậy nó còn đánh đàn bà... Mày biết không công an tỉnh võ nghệ cao cường gấp bốn lần mày, quất cho nó một đá, khóa tay còng lại giờ chẳng biết đi đâu. Còn con Dung...
- Mày về nó khóc quá chừng, không quán xá cơm nước gì hết, bọn tao phải tự lo cái ăn. Nó cũng lạng quạng ở đây hổm rày, chắc có ý chờ mày. Mày “đểu giả” thiệt đó Thành. Gặp tao tao lấy quách con đó làm vợ. Nó đẹp gái, lại giỏi nữa, lại chung tình.
- Thì mày cứ tự nhiên, ai cấm - Thành đùa đùa giỡn giỡn.
Hiếu Râu:
- Tao không ngờ con Dung dữ dằn ác liệt luôn. Hôm thằng Sơn Hí quậy quán, bọn tao bị đòn, nhưng con Dung cho thằng Sơn tan mặt.
- Sao vậy?
- Thằng Hí nói, -censor- má Thành Bụi là thằng con... gì, kêu nó ra đây... Con Dung nhào tới, móng tay nó cào rách cái mặt Sơn Hí.
- Dữ vậy ha?
- Còn hơn dữ, mắt nó quắc lên như cọp cái, nhìn thấy ớn. Sau đó rút dao ra đòi lụi, Sơn Hí hết hồn.
Thành cười cười.
- Cười khỉ mẹ gì - Hiếu Râu cũng cười - Hôm qua tao gặp nó, hỏi sao không về quê? Biết nó có ý chờ mày, tao nói giỡn: “Em ơi về Đồng Tháp kiếm chồng khác đi, thằng Thành đẹp trai, dân đi đó đi đây, em chờ nó là mỏi mòn đời em đó”. Nghe vậy nó khóc mùi. Nó khóc nhìn thấy tội lắm.
- Kìa, con Dung kìa - Một thằng trong bàn nhậu kêu lên - Ê, Dung, Dung ơi qua đây, Thành Bụi lên rồi nè.
Bên kia đường, nghe gọi, cô gái băng qua. Đứng trước quán, cô thấy tình lang, và nước mắt cô chảy thành dòng.
Ái chà chà.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Truyện 2: Giã từ vàng

1
Nước cuồn cuộn trên cao đổ về và mưa tận lực rơi. Dòng sông ngầu đục, rác rưởi, cây khô phăng phăng trôi. Hai bên bờ xơ xác buồn thảm. Chòi trại đúng nghĩa rách, chỉ còn trơ lại khung, du cư đã tháo bạt hồi cố hương, hoặc xuống khu vực thấp hơn, tiếp tục hành trình đào xới kiếm tương lai.
Bãi vàng còn lại những gương mặt đầy sầu hận của thất bại. Buồn thảm phát ra từ tiếng ngâm thơ bằng giọng Huế, và bài thơ cũng buồn không kém. Nón lá áo tơi ra quán chợ. Trơ vơ trên bến nước sông đầy. Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả. Chén ứa men lành lạnh ngón tay. Giọng nhừa nhựa. Chòi lạnh trước mặt sông. Giang hồ uống rượu ngâm thơ. Một mình.
My đi ngang, áo mưa, tay che dù, giọng miền Tây vang lên:
- Buồn quá anh Minh ơi.
Tôi cười:
- Buồn thì uống vài chén cho vui.
My vào, dù và áo mưa treo lên vách lồ ô bổ sịa:
- Lạnh quá Minh Tàn ơi.
Tôi rót cho My ly rượu. Cô tu một hơi, sạch bách.
- Có nghe gì về Hoàng Má Đỏ không?- Tôi hỏi.
- Sao anh hỏi em dzị?
- Thì em là vợ nó mà.
- Dzợ cái gì lãng ồ dzậy cha nội? Thằng đó ủ tờ phải rồi, ỷ thế địa phương làm ông nội, nó bần tiện thí mồ, ăn rồi chuyên trấn lột, xin đểu.
- Anh thấy nó tha thiết với em lắm mà.
- Nó tha và thiết với tất cả gái ở bãi nầy, con nào nó cũng giới thiệu vợ. Hôm bữa nó bị Chí Khùng đập cho một trận anh nghe không?
- Chồng con Hạnh đó hả?
- Nữa... chồng con gì ở đây cha nội? Con Hạnh bá vô Chí Khùng kiếm cơm lúc không khách, Chí bám vô Hạnh lúc mo... Anh hở là chồng với con.
Tôi nâng ly thở dài, nhìn My nhai khô đuối.
- Lạnh vầy nhai khô đuối ngon ghê, Minh Tàn há? Rót cho em ly coi. Mà sao anh có cái tên kỳ cục vậy?
- Chắc thiên hạ thấy anh tàn tạ quá, nên gọi vậy.
- Ủa, tàn là tàn tạ đó hả? Vậy mà em tưởng anh tàng tàng kiểu khùng khùng hay là tàng tàng chén cúc dở say...
Tôi ngạc nhiên nhìn gái bán hoa dẫn Kiều. Nhìn kỹ. My ơi là tàn tạ, hai nếp nhăn bên cánh mũi lộ diện, tóc tai xơ xác, gương mặt tái và vàng vọt vì sốt rét rừng. Tuy nhiên cô có nhan sắc. Gái mà. Không đẹp lấy gì có khách.
- Nhìn gì cha nội? Lạnh thiệt há?
Rồi My vòng tay ôm tôi. Rõ giang hồ và tứ chiếng. Đâu rồi thời rung động? Gió núi lạnh lẽo, đến rượu còn không xua nổi huống thịt da đã hết ngọc ngà.
- Hình như bài thơ anh ngâm hồi nãy là bài Trời mưa ở Huế của Nguyễn Bính phải không?
Tôi lại ngạc nhiên:
- Em có vẻ rành thơ ca quá hả?
- Xời... hồi đi học em nhứt sóc Bom Bo đó anh.
Mắt cô nhìn ra dòng sông cuộn chảy. Một cái gì xa xôi trong đôi mắt ấy. Quá khứ chăng? Ừ, ai mà chẳng có một thời để nhớ. Tôi và My gặp nhau ở quán bà Năm Tằm. Bà Năm dân chứa thổ đổ hồ ở phố. Bị động ổ và ít khách nên kéo em út lên bãi kiếm vàng. Hai bốn ca ra thì chưa, nhưng vàng vọt thì ai cũng có. Tôi mua và My bán. Quan hệ đến đó là hết. My được bảo kê bởi Hoàng Má Đỏ, một đàn anh địa phương.
Tôi đến bà Năm và biết sạch các hoa. Chủ yếu để trôi đi những gì có thể khiến cô đơn lồng lên mà hóa khùng. My đẹp, duyên lắm. Cô như tôi, bất cần tất cả. Sống hoặc chết đều vô nghĩa như nhau. Nghèo túng, không tương lai, vô gia đình nên đời xám ngoét.
- Cho em điếu thuốc đi anh.
Tôi lấy bịch thuốc rê, đùa:
- Chỉ còn lại bốclăngxe thôi em.
- Vấn cho em một điếu.
Nhận điếu thuốc từ tay tôi, My hít một hơi:
- Dzậy chớ em thấy thuốc rê ngon hơn Jet với ba số à, mà anh vấn điếu thuốc đẹp ghê...
Cô lại uống tiếp nửa ly xây chừng, nói khi đang nhóp nhép khô đuối:
- Tự nhiên em nhớ tới vụ anh và bọn Sáng, Suốt. Công nhận anh gan cùng mình à.
Tôi cười:
- Tại bọn nó nhát chớ anh cũng chẳng mùi mẽ gì.
- Anh mà không mùi. Bãi nầy giang hồ Hải Phòng, Vinh còn không dám cà cựa với Sáng, Suốt, Hoàng Má Đỏ, Dũng Voi, anh dám là quá liều. Bộ anh có võ hả?
- Võ nghệ gì, ăn thua mình gan.
- Mà đầu đuôi sao? Kể em nghe với.
- Cũ mèm rồi, đầu đuôi anh quên, nhớ khúc giữa thôi. Dưới hầm lên, tụi bạn kêu vô làm vài ly, đang uống bọn nó đi ngang, Thằng Sáng nói: “-censor- kịnh, con nít ranh mới sáng bày đặt rượu chè. Dẹp đi”. Rượu sừng sừng, anh cũng khùng lên, -censor- lại rồi nói, tao chém chết mẹ mày à. Cả bọn đứng lại, anh xách cái búa chém bước ra. Tụi nó tưởng anh không dám. Anh chơi vô vai thằng Dũng Voi một nhát liền, may mà anh chém nhẹ, chớ mạnh không chừng cái tay nó gửi lại dốc Ma Trơi. Em biết không, tụi nó đâu phải thứ thiệt, ỷ thế gần nhà. Ngữ không bến không bờ mới đáng sợ. Em tưởng, mấy tay Vinh, Hải Phòng không dám hả? Họ nhịn để làm ăn, đụng trận là một trăm Hoàng Má Đỏ cũng chết, chơi xong họ cắt rừng đi bãi khác. Công an có mà chịu sầu.
- Em đâu biết, mà sau đó sao?
- Thấy anh dữ dằn quá, tụi nó đâm đầu bỏ chạy, mấy đứa bạn trong sòng nhậu chạy ra băng tay cho Dũng Voi. Thấy anh đóng vai ngầu, Voi xanh như tàu lá.
- Hèn gì tụi nó nể anh.
- Có vậy mới đi đây đi đó được chớ em. Ở đâu cũng có chó gần nhà. Ai nhát là bị hù, bị trấn lột. Phải gan mới được.
- Còn vụ anh đập Minh Tâm?
- Thằng con nít đó, ỷ thế to con. Anh dưới hầm lên, ghé quán thằng Dương làm ly đen, nó biểu anh mua cho nó gói ba số, anh đưa cho nó một điếu, bảo thông cảm, hôm nay không tiền. Bữa đó nó có rượu, đang ba hoa lớn lối với em út, quê vì anh từ chối, nó đứng dậy tương cú đấm, anh xô tay nó ra rồi chơi cho nó một trận nên hồn. Nó chạy về chòi xách búa lên. Thằng cũng gan, vung búa chém liền, anh tung một cú đá vào tay cầm búa, xắn cho nó một cái gót vào ngực. Vậy là đại ca lăn ra đất.
- Bữa đó em tưởng Minh Tâm chết.
- Chết sao được em, gót chân trúng vô chấn thủy, tức hơi chút đỉnh thôi.
- Vậy mà tụi nó không thù anh, cũng lạ thiệt.
- Có lý do hết em ơi, muốn nghe không anh Minh kể cho nghe nè.
My đánh chụt vào má tôi:
- Kể đi cưng.
- Đêm đó anh móc võng ngủ ở quán con Tuyết Hường, nửa đêm thấy thằng Lân Bụi dáo dác từ rạp chiếu phim của thằng Sáng đi ra, tay ôm cái đầu băng. Cái đầu đó cả năm chỉ vàng, ra thị trấn bèo lắm cũng bán được ba chỉ. Trưa hôm sau lên hầm, anh thấy trùm Sáng đang bắt thằng đệ tử quỳ, yêu cầu khai đồng bọn. Thì ra, tối đó chiếu phim xong, ba cái xếch xiếc lôi ông Sáng qua đêm ở bà Năm. Đệ tử ngủ say, bị Lân Bụi vô chôm đồ. Thấy thằng đệ tử đã quỳ còn bị đòn, anh kêu Lân Bụi tới, biểu nó trả, nếu không anh nói ra là vong mạng. Thằng Lân lạy anh như tế sao, nó nói nhớ nhà quá muốn về mà không tiền nên vuốt râu hùm, xin anh bỏ qua, bán xong nó chia anh một nửa...
- Anh chịu không?
- Làm gì có chuyện đó My. Đời nào anh chấp nhận vụ ăn cắp. Anh biểu trả. Lân sợ quá, nhờ anh ra tay cứu độ, đừng cho Sáng biết nó là thủ phạm.
- Anh làm sao?
- Anh mời thằng Sáng vô quán nói anh biết thằng chôm cái đầu băng, nếu nó muốn lấy lại thì không được truy cứu thủ phạm, còn không thì thôi, Sáng ôkê liền. Anh mang đầu băng trả dùm thằng Lân, nói chung thằng nào cũng mừng, Sáng là trùm bãi nầy, nó lớn hơn cả Dũng Voi nên anh an toàn, vậy thôi.
- Em hiểu rồi... Minh Tàn nè, anh đi mấy bãi rồi?
- Nhiều nhiều à. Êzimbar Chưprông ở Phú Bổn. Khâm Đức ở Quảng Nam. Tà In ở Lâm Đồng. Suối Nho ở Đồng Nai. Sông Hinh ở Tuy Hòa. Nói chung bãi nào anh cũng có tới.
- Anh theo nghiệp nầy được mấy năm rồi?
- Không biết được đâu em ơi, anh đủ thứ. Vàng, trầm hương, đá quý ưng cái gì làm cái đó.
- Được không anh?
- Được cái tàn tạ.
- Quê anh ở đâu?
- Anh là kẻ không có quê hương.
- Trên trời rơi xuống hả?
- Cũng trong lòng bà má chui ra, nhưng anh bỏ nhà đi bụi năm mười lăm tuổi.
- Sớm hơn em hai năm. Em tới mười bảy lận. Mà sao anh đi bụi?
- Bị đòn oan từ ông già.
- Kể nghe được không?
- Rót anh một ly. Bây giờ ấm lên rồi My há?
- Nè uống đi, uống rồi kể em nghe cái vụ oan uổng của anh.
Tôi kể cho My nghe. Hồi đó ba tôi là hạ sĩ quan quân lương của trào đình Nguyễn Văn Thiệu. Ông mang tiền ra tận chiến trường phát cho lính. Lính nhờ ông mang về cho vợ con sau khi ký nhận. Hôm đó, cơm chiều xong cha tôi kiểm lại tiền và phát giác ra mất mười nghìn đồng. Em biết không – tôi nói – hồi đó lương lính một tháng mười lăm nghìn. Số tiền ấy là một gia tài, nó đủ để một bà vợ lính và bầy con bốn đứa sống một tháng. Ông già nghi anh chôm của ổng.
- Sao lại nghi anh?
- Bữa đó anh đánh con đề trúng được một ngàn tư. Anh mang đi mua sách ráo trọi, toàn tiểu thuyết, anh ghiền đọc sách lắm. Vậy là ông via nghi anh, cho anh một trận nên hồn.
- Vậy mà đi bụi sao?
- Ừ, anh ức lắm. Năm đó anh mười lăm tuổi, đang học lớp đệ Tam...
- Đệ Tam là đệ gì?
- Là lớp Mười bây giờ đó em.
- Vậy anh thua em hai lớp. Em Mười hai rồi đó nghe... Rồi anh đi đâu, gia đình có đi kiếm không?
- Anh đi là bởi uất, nhưng quan trọng hơn là anh biết người lấy.
- Ai? Sao không khai ra?
- Má anh đã lấy số tiền đó.
- Má anh? Tại sao? Bộ ba anh bo siết tiền bạc lắm à?
- Ba anh cũng có hơi ki bo một tí, nhưng vì anh có ông anh rớt tú tài đi lính ở Quảng Trị về thăm nhà, không có tiền đi chơi với bạn, má anh đã lấy để cho ảnh.
- Vậy hồi đó gia đình anh ở đâu?
- Ở miền Trung.
- Xa dữ há?
- Đời anh giang hồ từ khi còn trong đầu gối ba anh. Hồi còn ở nhà, anh thường nghe ông bà già kể về một quê hương Quảng Bình nào đó xa tít mù. Ông già đi tán gái, bị Pháp bắt đi lính. Ba phong độ lắm, cao mét sáu lăm, dân miền núi nên có tí võ phòng thân. Có lẽ nhờ vậy nên ông được sung vô ngự lâm cho vua Bảo Đại. Sau khi họ Ngô làm vương, ổng bát xê qua sư đoàn khinh chiến mười bốn. Nè, ba anh từng tham gia bình định Kim Chung Đại Thế Giới của Bảy Viễn đó nghe.
- Đại Thế Giới là cái gì hả anh?
- Nó như cái quán bà Năm vậy, vừa cờ bạc, vừa gái gú nhưng một tỉ lần hơn. Sau đó ổng được đưa đi cùng khắp một dải miền Nam. Đà Lạt, Sài Gòn, Huế. Anh em của anh mỗi đứa ra đời ở một tỉnh. Mười một đứa là mười một địa danh.
Năm anh đi bụi, gia đình ở Bình Định. Anh không bao giờ quên nơi anh đã ra đi. Một lần là biệt mất. Nơi đó đã vì chiến cuộc mà xóa sổ. My biết tại sao không? Đơn vị đóng quân thời ông Thiệu di chuyển như quân trên bàn cờ. Hôm nay Tây Nguyên, ngày mai đã lên đường đến Duyên Hải. Anh học tiểu học ở Tân Cảnh. Đệ Nhất Cấp ở Kon Tum. Đệ Nhất Cấp hả? Là cấp hai bây giờ. Đệ Tam ở Bình Định. Trung đoàn ba anh đóng quân ở Đệ Đức thuộc huyện lỵ Hoài Nhơn. Ở đó có một cái chợ tự phát, trước có tên chợ Dốc Chùa, sau đổi là chợ Đầu Người.
- Sao lại gọi là chợ đầu người?
- Chiến tranh mà em. Máu chảy, thịt rơi, người chết ngày một. Quân đội cũ có một lực lượng gọi là Thanh niên Chiến đấu. Mỗi lần truy kích về, người nào cũng mang bên hông hai ba cái đầu, họ bảo của -censor-, để ngoài chợ cho dân chúng xem chơi. Nên gọi chợ Đầu Người, hiểu hông?
Có lẽ tâm hồn anh đã chai sạn vì di chuyển, vì chiến tranh. Như cái khổ vậy, khi ta nhuốm nhiều quá, nó hóa tầm thường. Đối diện với đá tâm hồn ta đương nhiên lạnh. Anh nói vậy phải không? Anh đã leo lên một chiếc xe đò xuôi vào Nam. Đi với ý mong mấy ông trong rừng bắt tham gia -censor- như thiên hạ đồn. Hận mà, em hiểu không? Hiểu hả? Hiểu thì làm một ly... Vậy mà chả có ma nào bắt, nếu được bắt, không chừng bây giờ anh nên ông nầy ông kia rồi cũng không chừng. Anh thẳng một hơi vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn đọc báo nghe đơn vị ba anh bị xóa sổ. Biệt luôn cho đến hôm nay. Anh ở thành phố cho đến thống nhất. Bụi đời, không nơi ăn chốn ở. Anh lên kinh tế mới dân lập. Nghe đồn trầm anh đi trầm, đá quý anh đi đá quý, có vàng anh đi vàng. Rẫy ở kinh tế cho người ta thuê. Hết.
- Còn em? Có gì kể nghe không? Sao Mười hai mà ra thân như vầy? Quê ở đâu? Ba má em làm gì?
- Hỏi dữ dzị cha nội? Em dân sông Tiền. Không có ba. Ổng cho bà già cái bụng rồi quất ngựa truy phong. Em ở với má và bà dì. Năm em năm tuổi, má nghe người ta rủ vượt biên. Bà dì nuôi em. Cho ăn học tử tế, ý cũng mong bà già qua tới bển gửi đô la về. Không hiểu sao bả biệt luôn, nghi làm mồi cho cá mập rồi quá. Mẹ nó, ba lăm tuổi bà dì mê trai. Lấy một thằng mới hăm chín. Bả đi làm nuôi nó mệt xỉu. Đợi bả đi nó phục thuốc cho em, em mê man, khi tỉnh dậy thì mọi chuyện đã thôi rồi. Em mới lớn, anh nghĩ đi, chuyện đó nó hấp dẫn quá, thêm cái thằng dượng tỉ tê hứa hẹn. Em nghe theo. Nó lôi em lên Campuchia bán vô khu đèn đỏ. May có ông người Việt đi chơi, mê em chuộc về. Tưởng sao, ai ngờ ổng có vợ rồi, bà vợ cho người đến đòi tạt a xít, em sợ quá dông luôn. Em ra công viên, má Năm lôi về. Hết... Hì hì... Vui không?
Tôi ngồi nghe My nói. Cô kể về nỗi bất hạnh tỉnh queo như chuyện của ai đó, chứ không là của mình. Trái tim già nua, khắc khổ của tôi rưng rức nỗi buồn. Bất giác tôi hát Túy ca, nhạc Châu Kỳ: “Thà rót cho ta trăm nghìn chung rượu độc. Đừng một lời nào mai mỉa cho nhau. Cho ta đi, đi sâu vào cơn lốc. Cho tay say đến tột đỉnh sầu... Nầy rót đi em...”.
- Đừng hát nữa anh, bài nầy nghe buồn quá. Đang lo không biết làm sao qua khỏi mùa mưa nầy, giọng của anh dễ tự tử quá.
- Anh mà biết bơi, anh qua Móng Bò kiếm tí đỉnh qua mưa. Còn không ở đây đói chắc luôn.
- Giang hồ gì không biết bơi cha nội. Đi hông? Cho em theo, em đưa qua, sông em còn coi chẳng ra gì, nói chi suối.
- Em qua bển làm gì?
- Em theo anh đánh ca được không? Giúp em một vé đi... Nha anh?
- Em đánh ca, còn anh đánh cái gì?
- Thôi mà... anh uy tín, bạn anh không dám cãi anh đâu. Giúp em qua cơ hàn một lần thôi. Em không quên đâu mà.
- Giang hồ coi Minh Tàn nầy ra gì?
- Dzầy đi. Anh giới thiệu em là dzợ anh. Bên Móng Bò ít người biết em lắm.
- Cho anh lạy em cả tơi lẫn nón đi há. Được rồi, đi thì đi.​
 


Top